Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bàn về chủ trương đổi mới Quốc hội khoá XIII, ý kiến các đại biểu cho rằng cần triển khai từng bước, việc nào có thể làm thì nên thực hiện ngay.
Sáng 22.8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII khai mạc phiên họp thứ nhất.
Kỳ hợp thứ nhất thành công
Sau khi nghe Báo cáo Đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, kỳ họp diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng và đã hoàn thành tốt chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Bộ máy nhà nước, trong đó, kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đều đạt tỷ lệ tán thành rất cao, được dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm, ủng hộ.
Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; đồng thời dành thời gian đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm; những diễn biến phức tạp trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.
Quốc hội thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một số hạn chế cần còn tồn tại cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của kỳ họp thứ hai. Điều đó đòi hỏi công tác chuẩn bị cần phải được triển khai ngay một cách tốt nhất, có sự phối hợp chặt chẽ, khoa học vì kỳ họp tới sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn, lại là thời điểm những tháng cuối năm.
Theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ làm việc khoảng 31 ngày, trong đó dành 17 ngày cho công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét thông qua 6 dự án luật và 1 Nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 13 dự án luật.
Về nội dung làm việc của kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu ý kiến: Đến năm 2014, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận số 1 sẽ khởi công. Vì vậy, đề nghị trong nội dung kì họp tới cần phải thông qua nghị quyết về cơ chế đặc biệt đối với việc triển khai dự án này.
Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cũng đã nghe và cho ý kiến về Tờ trình Về chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Các ý kiến thống nhất cho rằng, Đề án là rất lớn và có nội dung khá rộng, do đó cần có những bước đi thích hợp. Đối với những việc có thể làm ngay thì nên được thực hiện ngay trong kỳ họp tới.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Báo cáo đã bao quát được hết nội dung cần phải làm, đồng thời nhấn mạnh vào việc nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội và tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Hiệu quả hiệu lực giám sát của Quốc hội chưa cao. Do đó cần đổi mới để nâng cao hiệu quả, hiệu lực và thể hiện rõ chức năng lớn quan trọng Quốc hội.
Đề cập đến việc đổi mới các kỳ họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng có cái có thể sửa đổi ngay trong kỳ họp tới như cách thức tiến hành họp tại hội trường (cần tóm lại những ý kiến trùng nhau), cách chất vấn nhiều khi quá rộng, không đúng vấn đề trọng tâm
Về tiếp xúc cử tri, đại biểu cho rằng phải có sự nghiên cứu để đổi mới, từ đó đại biểu mới lắng nghe một cách thấu đáo nhất ý kiến của cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, mặc dù phiên họp chỉ mới dừng lại ở việc cho ý kiến về chủ trương thực hiện Đề án, song nhiều ý kiến đã có tính gợi mở, cần được nghiên cứu áp dụng trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đổi mới là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không phải thay đổi chức năng của Quốc hội. Vấn đề đổi mới là yêu cầu thực tế và cần nghiên cứu thực hiện ngay. Các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp đổi mới, rút ngắn thời gian nhưng chất lượng vẫn phải được nâng cao./.
Phải xác định rõ tài liệu nào được Lưu trữ lịch sử
Chiều 22.8, tiếp tục phiên làm việc, UBTVQH khoá XIII cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2011).
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật lưu trữ. Ý kiến chung của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo Một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH về dự án Luật lưu trữ nêu 5 vấn đề: Về việc quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ không phân biệt nguồn gốc và thời gian hình thành, nơi bảo quản, hình thức sở hữu, được Nhà nước bảo quản hoặc thống kê.
Đồng thời, xác định rõ việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có thể ở nhiều nơi và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện (như Lưu trữ lịch sử, lưu trữ cơ quan, lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ), những quy trình, nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý nhà nước về lưu trữ phải được thực hiện thống nhất.
Về tổ chức lưu trữ, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho biết, mặc dù pháp luật về lưu trữ hiện hành quy định Lưu trữ lịch sử được tổ chức ở 3 cấp là Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Nhưng thực tế triển khai mới chỉ có cấp tỉnh tổ chức được Lưu trữ lịch sử với biên chế khoảng 3-5 người, còn cấp huyện chỉ có một số ít nơi thành lập Lưu trữ lịch sử, vì khối lượng tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử hình thành ở cấp huyện không nhiều và phần lớn những tài liệu này có nội dung được bao hàm trong tài liệu lưu trữ cấp tỉnh. Vì vậy, việc quy định chỉ tổ chức Lưu trữ lịch sử 2 cấp là Trung ương và cấp tỉnh như trong Dự thảo Luật là phù hợp.
Đối với tài liệu lưu trữ ở Lưu trữ lịch sử đã được thành lập ở một số ít huyện hiện nay thì sau khi Luật có hiệu lực sẽ được chuyển về Lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh để quản lý, lưu trữ.
Về Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ, dự thảo Luật quy định gồm Chủ tịch Hội đồng và các Uỷ viên là người trực tiếp làm lưu trữ, đại diện lãnh đạo của đơn vị có tài liệu và chuyên gia am hiểu về tài liệu, bảo đảm khi Luật được ban hành có thể thực hiện được ngay trên thực tế, mà không cần phải có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Về thời hạn được cấp phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sau 10 năm kể từ ngày hoàn thành công việc, các tài liệu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu mật) được giao nộp cho Lưu trữ lịch sử.
Khi hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định thì tài liệu mật đương nhiên được giải mạt và sử dụng rộng rãi. Đối với những tài liệu mặc dù đã hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định nhưng cần tiếp tục được bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Báo cáo cũng nêu rõ, các hoạt động dịch vụ lưu trữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện; đồng thời bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân và lĩnh vực hoạt động lưu trữ.
Dự thảo cũng bổ sung 2 điều quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ và về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; kết hợp với quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ xây dựng thành một chương riêng.
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cơ bản thống nhất với Báo cáo của Uỷ ban Pháp Luật Quốc hội và đóng góp thêm ý kiến làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, điều 18 quy định về Hội đồng xác định giá trị tài liệu đã được làm rõ hơn có tính thuyết phục.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến: Nên chăng căn cứ vào cấp độ Mật- Tối mật- Tuyệt mật của tài liệu để quy định thời gian giải mật, vì nhiều tài liệu tuy đã lạc hậu, tính mật không còn cao nhưng vẫn được lưu giữ mà không được công khai.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đối với những tài liệu cần tiếp tục được bảo mật sau khi hết thời gian quy định cũng cần quy định rõ thời gian kéo dài là bao lâu.
Có ý kiến nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của việc lưu trữ các tài liệu đều nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tài liệu đó, đến một thời điểm cụ thể cần được công khai, người dân phải được tiếp cận khai thác, sử dụng, nếu không việc lưu trữ không có nhiều ý nghĩa.
(Theo VOV)