BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phiên họp thường kỳ tháng 4.2012 của UBND tỉnh:  Thông qua 3 nội dung về giáo dục, công nghiệp và quy hoạch đô thị

Cập nhật ngày: 13/04/2012 - 04:33

Chiều 11.4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4.2012 nhằm thông qua các nội dung do Sở Giáo dục – Đào tạo, UBND huyện Tân Biên và Sở Công thương trình.

Tại phiên họp, UBND tỉnh đã thông qua Đề án nâng cấp Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật thành trường Cao đẳng giai đoạn 2012 – 2015 do Sở GD – ĐT trình. Theo Đề án, dự kiến trong giai đoạn 2012 – 2015, trường sẽ có 1.200 sinh viên bậc cao đẳng, 800 học sinh trung cấp và 1.200 học viên học nghề.

Năm 2010, Trường Trung cấp Kỹ thuật đã được tỉnh đầu tư nâng cấp với số vốn hơn 51 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện nay đủ điều kiện để nâng lên thành trường cao đẳng. Tuy nhiên, giai đoạn sau 2015, trường cần ít nhất 126 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn chi cho hoạt động trong 5 năm đầu, mỗi năm khoảng 24,7 tỷ đồng, các năm sau, mỗi năm 54,5 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại phiên họp, nhiều đại biểu băn khoăn về đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường hiện nay liệu có đáp ứng được yêu cầu khi nâng cấp thành trường cao đẳng? Vì theo ông Trần Quốc Ân - Hiệu trưởng nhà trường, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, trường còn thiếu 20 giảng viên, giáo viên, trong đó có 9 thạc sĩ các ngành. Hầu hết các đại biểu đều lo ngại, những ngành nghề đào tạo trong đề án không phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong khi hiện nay tỉnh rất cần đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp cơ khí nông nghiệp, xây dựng, giao thông…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh, việc nâng cấp Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật thành trường cao đẳng là rất cần thiết, đặc biệt là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cần phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường điều chỉnh đề án. Về quy mô đào tạo, cần tiến hành khảo sát để điều chỉnh sát với nhu cầu, bổ sung các ngành nghề đào tạo mà tỉnh đang thiếu. Bên cạnh đó, đề án cũng phải đưa ra những giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên cũng như giải pháp thực hiện khi đề án được phê duyệt.

Các đại biểu cũng thông qua tờ trình về phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tân Biên, định hướng đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và đến năm 2030, cơ bản đạt trên 50% tiêu chuẩn loại IV.

Năm 1999, thị trấn Tân Biên từng được điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn còn một số khuyết điểm như: Hướng phát triển đô thị chưa hợp lý, các khu dân cư còn hình thành tự phát, chưa tận dụng yếu tố cảnh quan thiên nhiên của suối Cần Đăng và yếu tố thuận lợi của nền địa chất địa hình phía Đông; chưa tổ chức tốt quảng trường hoặc trục cảnh quan đô thị tạo không gian đô thị đẹp. Các công trình hành chính trải dài liên tục trên trục chính làm giảm khả năng sống động của đô thị về đêm; Các công trình thương mại dịch vụ chưa được quy tụ, nhỏ lẻ, rời rạc.

Theo UBND huyện Tân Biên, bên cạnh việc kế thừa đồ án quy hoạch năm 1999, cần phải điều chỉnh mở rộng và phát triển đô thị về phía Đông, Bắc và Nam. Không gian đô thị hình thành dựa trên các yếu tố hiện hữu như trục đường QL 22B đi Xa Mát và trục đường ĐT 795 tạo thành 2 trục cơ sở phát triển đô thị theo 3 hướng. Ngoài ra, giữa đô thị còn có yếu tố quan trọng là suối Cần Đăng, góp phần làm tăng mỹ quan.

Đa số các đại biểu đều đồng ý thông qua Đồ án điều chỉnh trên. Tuy nhiên Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, bố cục kiến trúc đô thị rất quan trọng nên cần lưu ý, không được thay đổi dòng chảy suối Cần Đăng, nên phát triển cảnh quan ở khu vực suối. Cần nghiên cứu xây dựng bờ kè để bảo vệ bờ, chống sạt lở. Nếu được thì xây dựng đập tràn ở hạ lưu suối để giữ nước. Bên cạnh đó, cần xem xét kiểm tra để đảm bảo khả năng thoát nước của toàn thị trấn và dự báo khả năng của những năm tới.

Cũng tại phiên họp, Sở Công thương có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét thông qua “Chương trình hành động về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2012 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Mục tiêu của Chương trình hành động này là duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao, nâng cao giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất công nghiệp; Tạo sự chuyển biến nhanh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Dự thảo Chương trình hành động đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm từ 21% trở lên, đến năm 2020 tăng từ 20-21%; Tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP năm 2015 là 38,2%, năm 2020 là 40,9%.

Ở nội dung này, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Công thương cần đánh giá một cách xác thực những điều kiện để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp như nguồn vốn, nguồn nhân lực, hạ tầng… Chương trình hành động cần nhấn mạnh việc tập trung đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp phải được quan tâm một cách đồng bộ với xử lý môi trường.

Đ. Hoàng Thái