Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phiên tòa trực tuyến: Bước đột phá của ngành Toà án
Thứ bảy: 07:10 ngày 06/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến giúp bảo đảm an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Toà án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Phiên toà xét xử vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu TAND TP. Tây Ninh.

Theo Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12.11.2021 được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ hai, vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên toà được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà tại địa điểm ngoài phòng xử án do Toà án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên toà bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

TAND thành phố Tây Ninh là đơn vị được TAND tỉnh chọn thí điểm trong xét xử trực tuyến. Ngày 28.7 vừa qua, lần đầu tiên TAND thành phố mở phiên toà xét xử công khai theo hình thức trực tuyến vụ án hình sự sơ thẩm đối với một bị cáo bị Viện KSNS TP. Tây Ninh truy cứu về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Phiên toà được kết nối trực tuyến với điểm cầu trung tâm là hội trường xét xử hình sự của TAND TP.Tây Ninh đến điểm cầu thành phần là Nhà tạm giữ Công an TP.Tây Ninh (nơi có mặt bị cáo).

Ông Trương Văn An - Chánh án TAND TP.Tây Ninh cho biết, do mới thực hiện thí điểm nên đơn vị ưu tiên lựa chọn những vụ án hình sự có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng để tổ chức xét xử trực tuyến. Hiện đơn vị đã tổ chức được 2 phiên toà xét xử án hình sự theo hình thức trực tuyến.

Để bảo đảm việc triển khai được thuận lợi, TAND TP.Tây Ninh đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu. Kết thúc buổi xét xử thí điểm trực tuyến, TAND TP.Tây Ninh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện các vụ án xét xử trực tuyến tiếp theo tại đơn vị.

Việc thực hiện xét xử trực tuyến tạo thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp vì không phải áp tải các bị cáo từ nơi tạm giam đến Toà án, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển. Bên cạnh đó, các phiên tòa trực tuyến không phải trích xuất bị cáo từ nơi tạm giữ để đến địa điểm tham gia phiên tòa giúp tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử.

“Dù tổ chức phiên toà bằng hình thức trực tuyến nhưng trong quá trình tổ chức xét xử vẫn phải bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các phiên toà trực tiếp”, Chánh án TAND TP.Tây Ninh chia sẻ. 

Theo ông Đỗ Văn Thinh - Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, tổ chức các phiên toà xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội khoá XV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của hệ thống TAND hai cấp tỉnh trong năm 2022. Trong tình hình hiện nay, xét xử trực tuyến sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh; giảm thời gian đi lại cho bị cáo, đương sự, lực lượng chức năng tham gia bảo vệ phiên tòa; tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết án; tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.

Để hực hiện tốt các phiên tòa trực tuyến, đơn vị đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng kế hoạch về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện.

Tuy nhiên, xét xử trực tuyến là nội dung mới nên còn gặp một số khó khăn như đường truyền đôi lúc thiếu ổn định; trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu; đồng bộ về hệ thống điện giữa các điểm cầu. Thiếu cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin để trực tiếp vận hành hệ thống phiên tòa trực tuyến, quản trị các phần mền dùng chung. Các đơn vị tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho một phiên tòa xét xử trực tuyến.

Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tổ chức thí điểm, nhân rộng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các TAND cấp huyện. Bên cạnh đó, TAND tỉnh kiến nghị TAND tối cao cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của Tòa án các cấp.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục