BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Phiếu tín nhiệm là lăng kính để lãnh đạo nhìn lại mình'

Cập nhật ngày: 28/05/2012 - 12:50

- Tại sao đến kỳ họp này chúng ta mới đưa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn ra bàn thảo?

- Quy định lấy phiếu tín nhiệm từng được quy định trong Luật Giám sát 2003, theo đó, để bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh lãnh đạo cần với một trong hai điều kiện, thứ nhất, có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị (100 trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội); thứ hai, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội bỏ phiếu. Tuy nhiên, quy định có gần 10 năm nhưng chưa lần nào thực hiện vì chưa có ràng buộc chặt chẽ.

Hiện nay, cán bộ từ cấp thứ trưởng trở xuống hằng năm có đánh giá tín nhiệm, nếu 2 năm liên tục không đạt yêu cầu thì thôi việc. Nhưng đối với quan chức từ cấp bộ trưởng trở lên thì chưa có đánh giá hằng năm. Tinh thần Nghị quyết trung ương 4 là chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trước hết là sự trong sạch của đội ngũ đảng viên thì việc bỏ phiếu tín nhiệm là một điều kiện. Hiện, hầu hết vị trí cấp cao đều do Quốc hội bầu, phê chuẩn, những vị trí đó cần phải được xem xét, bỏ phiếu. Đề án đổi mới, nâng cáo chất lượng hoạt động Quốc hội lần này sẽ quy định việc lấy phiếu tín nhiệm tiến hành thường xuyên.

- Các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn khá nhiều. Theo ông, để tránh dàn trải, hình thức, cần tập trung nào những chức danh nào?

- Nếu bỏ phiếu tất cả chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn thì rộng quá, ví dụ tất cả ủy viên của Ủy ban Pháp luật đều cũng do Quốc hội bầu. Do đó, chỉ nên gắn vào một số chức danh từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên. Khi nghiên cứu đề án, tôi thấy có mấy đề xuất. Thứ nhất là bỏ phiếu hằng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Thứ hai là mỗi nhiệm kỳ 2 lần, giữa và cuối.

Ông Đinh Xuân Thảo: "Bỏ phiếu tín nhiệm là lăng kính tốt để lãnh đạo nhìn lại mình". Ảnh: Hoàng Hà.

- Với số lượng hàng chục vị cấp bộ trưởng trở lên, đại biểu làm sao có thông tin đầy đủ để nhấn nút bỏ phiếu?

- Đây đúng là một vấn đề mà khi xây dựng đề án cần nêu ra để thảo luận. Có những người hoạt động sôi nổi nên có thể có nhiều đại biểu biết. Người đó có thể có 7-8 cái được nhưng mắc phải 1-2 cái sai thì lại bị mất điểm. Trong khi đó, những người ít hoạt động thì có khi không tai tiếng. Cho nên, cần phải có cơ chế để công khai thông tin. Lãnh đạo cần phải có lời hứa, chương trình hành động để sau mỗi năm đại biểu nhìn lại có cơ sở để đánh giá.

- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng một lần bỏ phiếu tín nhiệm không đạt là có thể miễn nhiệm chứ không cần hai lần. Ông nghĩ sao?

- Bỏ phiếu tín nhiệm hai lần không đạt sẽ miễn nhiệm là bình thường. Tuy nhiên, nếu trường hợp tỷ lệ tín nhiệm quá thấp, ví dụ chỉ 10% thôi thì phải xem xét, không nhất thiết đợi đến 2 lần không đạt tín nhiệm mới cho thôi nhiệm vụ.

- Có những quyết sách chưa thể hiện hiệu quả ngay, thậm chí, trong thời gian đầu còn gặp những phản ứng không tốt từ dư luận xã hội. Nếu số phiếu tín nhiệm thấp, uy tín và công tác điều hành của vị đó sẽ ảnh hưởng thế nào?

- Khi đã thành thói quen, quy định và gắn với trách nhiệm cá nhân thì lấy phiếu tín nhiệm chính là thể hiện năng lực và bản lĩnh của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải chấp nhận nếu hoàn thành tốt công việc thì giữ được tín nhiệm, nếu không sẵn sàng ra đi. Chúng ta cũng phải bỏ cái mặc cảm bị tín nhiệm thấp, để cổ gắng phấn đấu. Ví dụ như ở Nhật, trong một nhiệm kỳ thay đổi liên tục nhân sự, 4 lần thay thủ tướng, 3-4 lần thay bộ trưởng. Năm nay anh ra khỏi Chính phủ bằng cơ chế từ chức nhưng năm sau anh lại vào là bình thường.

Hơn nữa, người được lấy phiếu tín nhiệm có quyền bảo vệ các quyết sách của mình. Ví dụ anh chỉ làm được 4 trong 5 việc đề ra thì có thể giải trình trước Quốc hội những việc còn lại là có lý do khách quan...

Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm là lăng kính tốt để lãnh đạo nhìn lại mình. Từ lãnh đạo cao nhất phải nhất quán, có nhận thức đúng. Đổi mới bao giờ cũng có quá trình, đụng đến những cách làm cũ nhưng sau một thời gian sẽ quen. Như hoạt động chất vấn, trước đây coi là nặng nề, nhưng giờ trở thành bình thường.

- Các chức danh lấy tín nhiệm hầu hết là Ủy viên trung ương Đảng. Trong trường hợp không đạt tín nhiệm tại Quốc hội, việc sắp xếp công việc cho các vị này sẽ như thế nào?

- Theo tôi, cần điều chỉnh, nếu bây giờ cứ nặng nề là ủy viên trung ương thì phải gánh một vị trí tương đương cấp bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy trở lên thì sẽ khó trong việc sắp xếp cán bộ. Ví dụ hôm nay anh làm bộ trưởng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì mai lại làm thứ trưởng. Anh là ủy viên trung ương tức là anh có phẩm chất đạo đức tốt, chỉ có chuyên môn anh không đáp ứng được cái ghế đó thôi.

Bỏ phiếu có tính chất tham khảo chứ không phải tất cả. Đánh giá cán bộ còn có cả tổ chức Đảng. Ví dụ tập thể toàn người lười, thích chơi hơn làm, một ông bộ trưởng rơi vào đó bị tẩy chay... thành ra không hoàn thành nhiệm vụ. Dựa vào đó để cho nghỉ thì cũng oan cho người ta.

Theo VNE