Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phổ biến, giáo dục pháp luật - giải pháp hữu hiệu phòng ngừa vi phạm
Thứ tư: 06:02 ngày 15/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các đối tượng được khảo sát cho biết hài lòng và rất hài lòng về chất lượng hoạt động PBGDPL, một số rất ít chưa hài lòng.

Học sinh tham gia trả lời câu hỏi trong buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông. (Ảnh: Phương Thảo - Thiên Di)

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Tư pháp vừa tổ chức khảo sát đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2022 nhằm kịp thời đề ra các giải pháp hữu hiệu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới.

Người dân mong muốn được PBGDPL nhiều hơn

Theo đó, Sở Tư pháp phát 2 mẫu khảo sát: Mẫu số 1, phát và thu nhận 100 phiếu cho cán bộ, công chức, viên chức; thành viên, hội viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận; nhân dân (đạt tỷ lệ 100%); Mẫu số 2, phát và thu nhận 100 phiếu cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật (đạt tỷ lệ 100%).

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các đối tượng khảo sát tự giác học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật và nhận thức được việc hiểu biết pháp luật là rất quan trọng, giúp bản thân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc hiểu biết pháp luật không chỉ giúp thực hiện nhiệm vụ, công vụ đúng quy định, mà còn góp phần tuyên truyền, vận động những người xung quanh hiểu và thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận khi gặp vấn đề cần giải quyết liên quan đến pháp luật mới tìm hiểu.

Các đối tượng khảo sát biết các quy định của pháp luật qua rất nhiều nguồn, kênh, như: đã được đào tạo chuyên ngành luật; tự nghiên cứu; được tuyên truyền pháp luật miệng; nghe, xem trên tivi, báo, đài; được cung cấp các tài liệu tuyên truyền pháp luật (tờ gấp, sổ tay, sách pháp luật…); xem pa-nô, băng-rôn, áp-phích, xe loa cổ động; xem trên mạng xã hội (zalo, facebook…); khai thác trên internet (cổng/trang thông tin điện tử; tủ sách pháp luật điện tử…); khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở…

Các đối tượng được khảo sát cho biết hài lòng và rất hài lòng về chất lượng hoạt động PBGDPL, một số rất ít chưa hài lòng. Hạn chế của công tác tuyên truyền, PBGDPL hiện nay là: trình độ, kỹ năng của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa được bảo đảm; nội dung, hình thức, thời điểm tuyên truyền còn chưa phù hợp.

Các đối tượng được khảo sát cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương hiện nay, nhiều nhất vẫn là do đối tượng vi phạm không có ý thức chấp hành pháp luật và người dân không hiểu biết pháp luật. Một số ít cho rằng do người dân không có môi trường, điều kiện tiếp cận pháp luật; quy định biện pháp xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục.

Ngoài ra, còn do cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật nên chưa nêu gương cho người dân; cơ quan chức năng chưa kiên quyết xử lý vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục.

Đa số các đối tượng được khảo sát mong muốn được tuyên truyền các văn bản pháp luật mới và các văn bản cần thiết với cuộc sống của người dân (Đất đai, Lao động, Hôn nhân và Gia đình, Nghĩa vụ quân sự, Hình sự…).

Ngoài ra, nhiều người còn muốn được tìm hiểu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các quy định của pháp luật gắn liền với tình hình địa phương, được nhân dân đặc biệt quan tâm (phòng, chống tín dụng đen; hụi; chó thả rông; rác thải…); các quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm); phòng, chống xâm hại trẻ em; Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân.     

Các đối tượng khảo sát đề nghị tăng cường tuyên truyền pháp luật rộng rãi cho nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng các hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi và thu hút; thời gian tuyên truyền phù hợp, tạo điều kiện cho nhiều người dân có thể tham gia; nội dung cần ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực với cuộc sống của người dân; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PBGDPL; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện phát thanh, mạng xã hội zalo, facebook…

Tăng cường PBGDPL

Từ thực tiễn và kết quả khảo sát, Sở Tư pháp đã định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp về công tác PBGDPL trong thời gian tới như:

Tăng cường tuyên truyền pháp luật rộng rãi cho cán bộ, công chức và nhân dân trên toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền pháp luật miệng (tổ chức hội nghị, thông qua cuộc họp tổ dân phố, khu dân cư, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt câu lạc bộ, thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo…); tuyên truyền bằng băng-rôn, áp-phích, xe loa cổ động, phiên toà giả định, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...

Trong đó, cơ quan, đơn vị thực hiện công tác PBGDPL cần quan tâm sử dụng các hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, thu hút; có hình ảnh, video clip, tiểu phẩm minh hoạ; áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật (tuyên truyền trên cổng/ trang thông tin điện tử, zalo, facebook…).

Ngành Tư pháp cũng sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trên toàn tỉnh, đến tận tổ dân cư tự quản, hộ gia đình. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật; thanh thiếu niên; học sinh, sinh viên (nhất là học sinh THCS và THPT); đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; các đối tượng đặc thù được quy định tại Luật PBGDPL năm 2012.

Chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp PBGDPL; tăng cường phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới, các quy định pháp luật liên quan đến công việc chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của pháp luật gắn liền với đời sống của nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…; tăng cường giáo dục nâng cao ý thức tự giác chủ động tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả như mong muốn, Sở Tư pháp cho biết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu các cấp đối với công tác PBGDPL. Lãnh đạo các cấp, ngành tăng cường giáo dục trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền phát huy tính tích cực, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tự học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức, hiểu biết và năng lực xử lý các tình huống pháp luật.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân, nhất là đối với người nghèo, người chưa có việc làm có thu nhập ổn định, thoát nghèo… nhằm góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

An Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục