Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Suốt con đường dài hơn một cây số, nấp dưới những tán lá xanh của si, bàng, trúc… là san sát các quán cà phê.

Còn nhớ mấy năm trước, có một bài báo viết về phố cà phê ở Tây Ninh. Có anh bạn ở Bến Tre nói đã đọc bài ấy và hỏi thăm về địa chỉ thú vị này. Tôi thú thực là mình không biết, mãi sau về Tây Ninh hỏi ra thì đó chính là “phố cà phê” hai bên đường khu vực cửa 7 Toà Thánh.
Khu phố cà phê hình như không thay đổi nhiều về hoạt động buôn bán, nhưng khác xưa bởi hình thức và quy mô. Suốt con đường dài hơn một cây số, nấp dưới những tán lá xanh của si, bàng, trúc… là san sát các quán cà phê. Tôi đã từng lang thang đi dọc “phố cà phê” và đếm được gần 40 quán. Có quán rộng rãi, bàn ghế kiểu dáng hiện đại, có quán sơ sài dưới bóng cây bàng với bàn ghế nhựa. Có quán kết hợp cà phê với giải trí như BIDA-CAFÉ HOÀNG QUYÊN; WIN BIDA. Quán T&T có quang cảnh riêng đầy màu sắc là các cây tre là ngà màu vàng. Mấy chục quán cà phê là mấy chục cái tên riêng biệt, gây tò mò, hợp sở thích của các “thượng đế”, ví như ai có chút kungfu hay yêu mến võ thuật sẽ muốn ghé TIỂU VÕ phía bên trái đường; ai yêu nhạc Trịnh chắc chắn sẽ tìm SÂN VƯỜN O2 dù quán này nằm sâu trong hẻm, cách mặt đường cả 50m. Hình như các “thượng đế” trẻ, tầm tuổi học sinh hay ngồi trong các quán CHỖ CŨ; BỖNG DƯNG MUỐN GHÉ hay YẾN LINH; THẢO VY… Những người đứng tuổi thì tập trung nhiều ở hai quán kế bên nhau là A CHÍN và NGUYỄN. Chỗ này vị trí đắc địa, rộng rãi và rất nhiều cây si xanh. Có lần tôi và một chị bạn ngồi bàn về tên quán cà phê có ảnh hưởng tới khách ẩm thực, chị bạn nói vui: “Chắc tiệm 3979 bên kia toàn mấy người liên quan tới con số như kế toán, giáo viên!”.
![]() |
Một góc phố cà phê. |
Thực ra cái tên gọi chưa thể nói lên tất cả, đơn giản nó chỉ là “thương hiệu” của quán mà thôi. Tuy vậy, những cái tên cũng như nhiều tấm áo đẹp, màu sắc khác nhau tạo nên một khung cảnh cho phố cà phê. Cứ lướt từ cửa 7 Toà Thánh ra, thấy bắt đầu là MỸ HẠNH, KIM XUYẾN, THU HÀ, THẢO NHI, CÁT PHƯỢNG, HOA LAN… Và cũng thật lạ, mấy chục quán cà phê gần nhau mà không bao giờ thấy giành khách, cãi lộn. Quán nào có khách ruột của quán nấy, tấp nập hay lưa thưa, ngồi chìm lắng trong tiếng nhạc hay chuyện trò ồn ã. Ai có gu riêng của người ấy. Cũng như tôi và chị bạn, hai người thường tìm đến quán A Chín để ngồi. Quán này đông khách nhưng rất yên tĩnh, nhiều bóng cây và mở nhạc nhỏ. Mấy lần dời qua quán khác vừa vô tới cửa đã phải vội ra vì không chịu nổi tiếng nhạc lớn quá.
Mấy quán lớn đều thấy treo biển cần tuyển tiếp viên nữ. Hỏi qua mấy quán trong phố, hầu hết các em nữ tiếp viên đều là người miền Tây lên. M.L người Đồng Tháp năm nay 21 tuổi, lên bán cà phê ở đây được 2 năm, cô nói so với làm ruộng ở quê thì làm tiếp viên nhàn nhã hơn, thu nhập cũng cao hơn. Lương tháng 2 triệu, cơm chủ bao ăn. Bên tiệm N.G, cô L người Vĩnh Long cho biết ngoài ăn hai bữa, bữa sáng cô chủ cho mười ngàn đồng, muốn ăn gì thì ăn hoặc là lấy tiền. L tâm sự: “Mỗi tháng gửi về cho má triệu rưỡi, còn thì tiết kiệm tiền ăn sáng với số dư ra tiêu xài lặt vặt. Cũng khoẻ”.
Tôi thử tới hỏi việc ở một quán có vẻ đông khách, cô chủ quán chắc cũng trạc tuổi tôi, vồn vã nói: “Tiệm đang thiếu người, em có làm được thì ngày mai tới. Nói thiệt tiếp viên có hai loại. Loại trả lương làm việc đủ giờ thì lương hai triệu, bao ăn. Loại không lương thì bao ăn, còn thu nhập thì chị em tự lo, nhưng mấy đứa này làm thất thường lắm. Rảnh thì nó phụ bán, có khách là nó bỏ đi bất tử”. Nghe là hiểu ngay làm tiếp viên cũng lắm kiểu “phức tạp”. Với người này là cơ hội kiếm tiền chính đáng, với người kia quán cà phê chỉ là nơi “giao lưu, tìm khách” như lời chị chủ quán nọ.
Với điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống hiện tại, thú vui ngồi cà phê không thể thiếu trong mỗi người. “Phố cà phê” trở thành điểm hẹn cho nhiều đối tác và ít nhiều nó cũng làm nên diện mạo khó quên cho một góc phố Hoà Thành, để mai này có dịp đi xa, tôi lại được nghe ai đó nhắc đến cái tên thân thương phố cà phê cửa 7.
THUỲ PHƯƠNG