Tính đến hết tháng 10.2012, toàn tỉnh có 126 học sinh bậc TH, THCS và THPT bỏ học.
(BTN)- Tính đến hết tháng 10.2012, toàn tỉnh có 126 học sinh bậc tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) bỏ học. Trong số này, bậc THPT vẫn là bậc học có số học sinh bỏ học nhiều nhất: 96 em. Các trường có nhiều học sinh bỏ học là THPT Lê Hồng Phong, THPT Châu Thành (huyện Châu Thành), THPT Trần Quốc Đại (huyện Gò Dầu), THPT Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng) và THPT Lê Duẩn (huyện Tân Châu). Hai khối mầm non và giáo dục thường xuyên chưa có học sinh nào bỏ học.
THPT vẫn là bậc học có số học sinh bỏ học nhiều nhất. (Ảnh chỉ có tính minh hoạ) |
Theo đánh giá, số lượng, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các bậc học thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Có hai nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học: Học lực yếu và kinh tế gia đình khó khăn.
Một trong những khó khăn trong công tác phổ cập giáo dục hiện nay là khó huy động người học ra lớp.
Theo kế hoạch của ngành Giáo dục, năm 2012 sẽ huy động 445 đối tượng xoá mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra lớp. Tuy nhiên, đến hết tháng 10.2012 chỉ mới huy động được 200 người ra học các lớp xoá mù chữ. Riêng việc huy động ra lớp học sau xoá mù chữ, dự kiến năm 2012 sẽ huy động 325 người nhưng cho đến nay chưa huy động được học viên nào.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc huy động người học ra lớp để xoá mù chữ, công tác vận động đối tượng đi học phổ cập THCS và THPT cũng rất gian nan. Tính chung trong toàn tỉnh, cho đến cuối tháng 10, tỷ lệ học sinh bậc THCS ra lớp phổ cập chỉ đạt hơn 18%. Huy động học sinh ra lớp phổ cập THPT còn khó hơn: Chỉ mới huy động được 8 trên tổng số 701 chỉ tiêu, tương đương 1,14%. Đến thời điểm này một số huyện như Châu Thành, Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng, Tân Biên, Thị xã chưa huy động được học sinh nào ra lớp. Chỉ riêng huyện Gò Dầu huy động được 8 người.
Mục tiêu lớn nhất của chủ trương phổ cập giáo dục là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mọi đối tượng được tiếp cận với giáo dục. Mặc dù đã nỗ lực, song kết quả phổ cập giáo dục hãy còn hạn chế. Đó còn chưa kể, trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục, “có lúc có nơi” do phải chạy theo tiến độ để về đích nên đã làm nảy sinh không ít hệ luỵ từ một chủ trương rất nhân văn này.
Đ.V.T