BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Bạch Mai: Người cao tuổi phải được ưu tiên chăm sóc tại gia đình

Cập nhật ngày: 04/06/2009 - 08:27

Trong phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Người cao tuổi, chiều 1.6, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Bạch Mai nhấn mạnh việc ban hành Luật Người cao tuổi là rất cần thiết. Báo Tây Ninh xin lược trích bài phát biểu (đầu đề do Toà soạn đặt):

“… Tôi cho rằng việc ban hành Luật Người cao tuổi là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở VN trong tình hình mới; thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về người cao tuổi và góp phần thực thi các công ước quốc tế liên quan đến người cao tuổi mà VN là thành viên, đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về người cao tuổi trong bối cảnh hội nhập, đáp ứng những vấn đề đặt ra trong thời kỳ “già hoá dân số”; khắc phục thách thức mới đang nẩy sinh, tạo cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện và bền vững trong việc thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…

Về đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, ngoài 7 nhóm đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước trong điều 16 dự thảo Luật, tôi đề nghị cần bổ sung đối tượng “người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” vì trong thực tế cuộc sống của họ rất cần sự bảo trợ của Nhà nuớc. Về mức trợ cấp hàng tháng, về nguyên tắc nên quy định cụ thể trong luật là “mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu không thấp hơn chuẩn nghèo quy định trong từng thời kỳ”, cụ thể tôi đề nghị là 300.000 đồng/ tháng trong thời gian tới vì mức trợ cấp hiện nay 120.000 đồng/tháng, là thấp hơn so với chuẩn nghèo (chuẩn nghèo hiện nay ở khu vực nông thôn: thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/tháng/người trở xuống; khu vực thành thị: 260.000 đồng/tháng/người trở xuống). Về hệ thống tổ chức của Hội người cao tuổi: Tôi cho rằng, với lực lượng hội viên đông đảo như hiện nay, tỷ lệ và xu hướng già hoá dân số thì việc tổ chức bộ máy Hội người cao tuổi ở 4 cấp là phù hợp. Qua đó, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong việc chăm sóc, thực hiện xã hội hoá hoạt động người cao tuổi, tổ chức Hội phải mạnh ở cả 4 cấp. Vì vậy cần nâng Ban đại diện cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay thành Ban chấp hành Hội mới đủ năng lực hoạt động thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của ngưới cao tuổi. Đây là đòi hỏi cấp bách và khách quan với bộ máy gọn, nhẹ, là cán bộ đã hết tuổi lao động, chỉ hưởng phụ cấp và đặc biệt là không hành chính hoá tổ chức Hội. Về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, cần khẳng định người cao tuổi phải được ưu tiên chăm sóc tại gia đình vì đó là truyền thống, là đạo lý của người VN. Song song đó cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi trong chăm sóc sức khoẻ, đi lại, phục hồi chức năng, giải trí… thuận lợi với cuộc sống người cao tuổi, trong đó Nhà nước sẽ giữ trách nhiệm hàng đầu việc xúc tiến, cung cấp, bảo đảm sự tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, có chính sách cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi, nhất là đối với ngưới cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

N.T.B.M