Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hungary thăm Việt Nam

Cập nhật ngày: 30/09/2016 - 05:13

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đón và hội đàm với ông Bus Szilveszter, Phó Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Cộng hoà Hungary. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Quốc vụ khanh Bus Szilveszter đã ký Thoả thuận hợp tác giữa Viện Đối ngoại Hungary và Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói chuyện về tình hình khu vực châu Âu và quan hệ Hungary-Việt Nam với sinh viên Học viện Ngoại giao và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hoá của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tại cuộc tham vấn chính trị, hai bên bày tỏ hài lòng về việc quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Hungary thời gian qua phát triển tích cực; trao đổi và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác thời gian tới, bao gồm duy trì trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, giáo dục đào tạo, văn hoá... 

Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bus Szilveszter khẳng định Chính phủ Hungary ủng hộ và sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu, là cơ sở thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. 

Hai bên đã dành thời gian để thảo luận cụ thể về các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong khuôn khổ chính sách viện trợ phát triển (ODA) của Hungary cho Việt Nam. 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA của Hungary tại Việt Nam, cảm ơn và mong Chính phủ Hungary xem xét tiếp tục cấp ODA cho một số dự án thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu như y tế cộng đồng, cải cách hệ thống bảo hiểm, bảo vệ nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm... 

Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua, trong đó có việc duy trì cơ chế tham vấn chính trị về các vấn đề quan hệ song phương, tình hình thế giới và khu vực, phối hợp lập trường trong các vấn đề quốc tế quan trọng; nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp, bao gồm các tranh chấp tại Biển Đông, bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

(TTXVN/VIETNAM+)