Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: “Xây dựng chính sách thật chất lượng để đỡ phải sửa chữa"
Thứ năm: 15:11 ngày 21/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 20.12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện ban, ngành liên quan và các điểm cầu tại thành phố, thị xã, huyện.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Năm 2023, lãnh đạo Bộ Nội vụ thể hiện rõ quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để phát huy mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động toàn ngành Nội vụ. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, nhiệm vụ chính trị quan trọng được Bộ Nội vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện nhằm đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả nền hành chính nhà nước theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bội Nội vụ đã tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi, đến nay, các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước.

Ngành chủ động đổi mới hoạt động quản lý công vụ, công chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan nhà nước và văn hoá công vụ; kịp thời tham mưu điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 20,8%; đồng thời tham mưu trình Quốc hội thông qua cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII. 

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; mở rộng chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả hoạt động của tổ chức. 

Sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn nặng tính cơ học

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Công tác triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ chưa kịp thời, đặc biệt là tập huấn, hướng dẫn triển khai các chính sách mới đã ban hành; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tuy đã được cải thiện song hiệu quả chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm.

Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã có tiến bộ nhưng có nơi chưa nghiêm, còn có công chức bị kỷ luật. Việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều nơi còn mang tính cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến hiệu lực, hiệu quả và chất lượng cung ứng đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng dịch vụ còn hạn chế; công tác triển khai xây dựng vị trí việc làm tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu.

Công tác chuyển đổi số ngành Nội vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, thiếu nguồn lực và nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc kết nối tích hợp dữ liệu…

Đề nghị hợp nhất hồ sơ viên chức, công chức

Phát biểu tham luận, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Nội vụ rà soát lại danh mục vị trí việc làm tại Thông tư số 12/2022/TTBNV ngày 30.12.2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tế. Đề nghị xem xét sửa đổi Thông tư 13/2022/TT-BNV ngày 31.12.2022 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức theo hướng bổ sung nội dung quy định về tỷ lệ ngạch cơ cấu cao nhất cho từng loại mô hình tổ chức và các tiêu chí để xác định cơ cấu ngạch cho một đơn vị.

Đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát lại các thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực để có sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, bao quát, tránh bỏ sót vị trí việc làm, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập các ngành, lĩnh vực. 

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng nêu, việc xác định cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi công chức, viên chức. Vì vậy, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn về cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức để thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thực hiện hợp nhất việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng với khối Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu sớm ban hành thông tư về quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý để sớm thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy bằng hồ sơ điện tử nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tiêu chí “đúng - đủ - sạch - sống” và thuận lợi cho việc tra cứu, lưu trữ.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 4223/QĐ-BNV ngày 30.11.2016 ban hành Danh mục chuẩn thông tin và quy định kỹ thuật về dữ liệu dùng cho phần mềm, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã hiện đã không còn phù hợp.

Thi đua khen thưởng phải đúng và kịp thời

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, 2023 là một năm đất nước gặp nhiều khó khăn, đầy thách thức; kết quả dù chưa được như trông đợi nhưng “kết quả thu được cũng làm ấm áp anh em chúng ta”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bình luận, công việc của Bộ Nội vụ trong năm qua “rất chạy, trơn tru”. “So với bộ ngành khác, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ, nhất trong việc xây dựng thể chế, chưa kể những việc được cho là nhạy cảm như sắp xếp đơn vị hành chính, dễ động chạm. Tôi rất ủng hộ Bộ bỏ thi thăng hạng viên chức” – Phó Thủ tướng phát biểu.

Nhiệm vụ của năm 2024, Phó Thủ tướng lưu ý xây dựng chính sách phải có chất lượng để đỡ phải sửa chữa sau thời gian ngắn ban hành. Xây dựng chính sách không nên quá cầu toàn, chỉ bám vào những vấn đề cốt lõi, muốn được như thế, cần phân cấp mạnh cho địa phương – Phó Thủ tướng nói về việc xây dựng vị trí việc làm và chuẩn bị cho việc áp dụng chính sách tiền lương mới vào tháng 7.2024.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng cho rằng hầu như không địa phương nào muốn thay đổi nhưng buộc phải thay đổi. Ông lưu ý Bộ Nội vụ cần thực hiện tốt vấn đề thi đua khen thưởng. “Chỉ riêng Luật Thi đua - Khen thưởng đã có cả chục nghị định quy định chi tiết, chưa kể thông tư. Khen thưởng đúng người đúng việc, kịp thời có tác dụng động viên rất lớn người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và ngược lại” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.

Việt Đông-Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục