BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải trình trước Quốc hội về 5 vấn đề lớn

Cập nhật ngày: 13/06/2009 - 06:43

Sáng 13.6, tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tập trung vào 5 vấn đề lớn mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, bao gồm đánh giá tình hình ngăn chặn suy giảm kinh tế, chính sách kích cầu, tam nông và giảm nghèo, các dự án bauxite và chuẩn bị các giải pháp “hậu suy thoái”. (Toàn văn Báo cáo giải trình do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2009

Phó Thủ tướng giải trình thêm về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản, cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế và bội chi ngân sách nhà nước.

Bội chi ngân sách đã tính tới đề phòng tái lạm phát

Phó Thủ tướng khẳng định, giữ tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% là hợp lý. Trong báo Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp ngày 20/5/2009, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xem xét diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng lên và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng tái lạm phát, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày, mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ sẽ điều hành mức bội chi thấp nhất và giảm dần trong các năm tiếp theo.

Căn cứ vào 2 chỉ tiêu đã được điều chỉnh nêu trên, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phối hợp điều hành một số chỉ tiêu định hướng khác liên quan.

Kích cầu đúng địa chỉ

Phó Thủ tướng nêu rõ thành phần gói kích cầu trị giá 145 ngàn tỷ đồng (9% GDP) bao gồm gói chính sách giảm thuế 28 ngàn tỷ đồng, gói hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17 ngàn tỷ đồng, gói tăng đầu tư công hơn 90 ngàn tỷ đồng và gói bổ sung an sinh xã hội gần 10 ngàn tỷ đồng.

“Tất cả các nguồn tiền đó đã có trong lưu thông, không phải phát hành thêm. Các chính sách đó đều có giới hạn về thời gian và có chọn lọc về các đối tượng. Hết thời hạn đó, tùy tình hình cụ thể, sẽ có những giải pháp tiếp theo”, Phó Thủ tướng trình bày.

Một số đại biểu cũng cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra nếu không thực hiện tốt các gói kích cầu, nhất là gói đầu tư công cũng như một số thiếu sót bất cập trong thực hiện gói kích cầu này.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khắc phục kịp thời các vướng mắc, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí, đồng thời có các giải pháp bù hụt thu ngân sách do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng cho địa phương.

Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông), tiếp tục hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt trong điều kiện suy giảm kinh tế hiện nay.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng trình bày, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Làm rõ trách nhiệm trong điều hành xuất khẩu gạo

Báo cáo giải trình thêm việc điều hành xuất khẩu gạo và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khẳng định Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề này để cùng một lúc đạt được các mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực với giá lương thực nội tiêu hợp lý, giá gạo xuất khẩu có lợi cho người nông dân, bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho người xuất khẩu gạo, hạn chế thiệt hại do tranh mua, tranh bán và do yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán với các đối tác nước ngoài.

Vì vậy, xuất khẩu lương thực được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp phấn đấu thực hiện cho được các mục tiêu này.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế và không còn áp dụng chỉ tiêu pháp lệnh, hạn ngạch xuất khẩu thì việc tham gia của Hiệp hội là biện pháp tốt để đạt được các mục tiêu xuất khẩu và cùng với các Bộ liên quan bảo đảm sự thống nhất kế hoạch xuất khẩu trong cả nước.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm và bàn các biện pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn trong công tác điều hành xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu gạo, bảo đảm minh bạch và rõ trách nhiệm của các bên tham gia.

Tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch khai thác bauxite

Trước sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước, báo cáo giải trình thêm về vấn đề bauxite Tây Nguyên.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xây dựng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Trong Quy hoạch, Chính phủ đã quan tâm đề cập đến tất cả các yêu cầu về hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa, xã hội, hợp tác đầu tư với nước ngoài của các dự án, đặc biệt quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch. Trong quá trình triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ và khi có ý kiến của một số đồng chí lão thành Cách mạng và nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của tất cả mọi người, đã tổng hợp các ý kiến đó một cách nghiêm túc, trung thực, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

“Những việc làm đó là đúng pháp luật, đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, minh bạch, trong sáng, cầu thị và có trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các dự án Tân Rai và Nhân Cơ do nước ta đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Việc thiết kế và xây dựng được thực hiện thông qua đấu thầu quốc tế công khai, đơn vị trúng thầu là một công ty Trung Quốc có uy tín trong lĩnh vực này.

Đến ngày 1/6/2009, trên cả 2 dự án có 667 người lao động nước ngoài (gồm 4 công dân Australia và 663 công dân Trung Quốc) làm việc được quản lý theo pháp luật Việt Nam. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước.

Đồng thời với việc triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, Chính phủ sẽ từng bước rút kinh nghiệm, tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế

Nhiều đại biểu lưu ý Chính phủ, trong khi tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, cần chủ động chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

“Thực chất một số giải pháp kích thích kinh tế mà chúng ta đã và đang áp dụng chính là đã thể hiện tư tưởng này”, Phó Thủ tướng cho biết. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế.

Đề án sẽ tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng, dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.

Đề án sẽ đề xuất các chính sách, cơ chế giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước, xử lý nhanh các “điểm nghẽn” phát triển...

Kết thúc phần trình bày, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, ý thức được trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2009 và tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

(Theo chinhphu.vn)