Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng: Sửa đổi Nghị định 105 sẽ thúc đẩy lộ trình xã hội hoá dịch vụ y tế
Thứ ba: 15:07 ngày 10/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Làm việc với Bộ Y tế chiều ngày 9/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ chậm trễ trong sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng tới lộ trình xã hội hoá dịch vụ công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Thành Chung

Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhằm tập trung xem xét việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018-2020, công tác tổ chức đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế nhằm kéo giảm chi phí khám chữa bệnh và đặc biệt là việc sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế.

Đây là các nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra với Bộ Y tế trong các buổi làm việc của Ban chỉ đạo giá gần đây, nhằm các mục tiêu kéo giảm chi phí khám chữa bệnh, tăng cường năng lực và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong ban hành quy định về bảo hiểm y tế, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng Nghị định số 105 liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, cơ cấu Quỹ BHYT, điều chỉnh mệnh giá BHYT, thực hiện các quy định của Luật BHYT còn chưa được sửa đổi kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ.

“Đến tháng 7 này là 2 năm mà Bộ Y tế chưa trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định này là chưa được khi mà lộ trình thực hiện xã hội hoá dịch vụ công phụ thuộc rất nhiều vào việc sửa đổi Nghị định này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, vào đầu tháng 4/2018, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nhóm họp với các Bộ Tư pháp, Tài chính để thống nhất việc sửa đổi Nghị định số 105 và đi tới thống nhất 7 nội dung, trong đó có các nội dung đáng quan tâm như: Không quy định người lao động là người nước ngoài phải bắt buộc tham gia BHYT, thống nhất ngân sách chi trả khám chữa bệnh BHYT cho trẻ từ khi sinh ra tới đủ 72 tháng.

Về mức hưởng BHYT khi người bệnh khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được chuyển lên tuyến trên được xác định là không đúng tuyến thì được thanh toán theo mức khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Theo các bộ, Nghị định sửa đổi Nghị định số 105 phải quy định rõ nội dung này để người bệnh có ý thức hơn trong khám chữa bệnh BHYT ở tuyến cơ sở, thúc đẩy tuyến cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 nội dung mà các bộ chưa thống nhất trong việc sửa đổi Nghị định 105 về hợp đồng khám, chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, về thanh toán trong một số trường hợp cụ thể, mức hưởng bảo hiểm y tế và điều kiện của giám định viên BHYT.

Đồng tình với các ý kiến thống nhất và một số kiến nghị của các bộ, ngành trong hoàn thiện, khắc phục các khác biệt khi sửa đổi Nghị định 105, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ vào giữa tháng 4/2018.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Cắt giảm dịch vụ không cần thiết

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế tại Nghị định số 16 của Chính phủ, góp phần tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị bảo đảm chi thường xuyên, giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng…).

Việc bội chi Quỹ BHYT thời gian qua là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí khám chữa bệnh (do điều chỉnh giá bước 2 - tính lương vào giá khám chữa bệnh) và thời gian qua Chính phủ chưa cho phép điều chỉnh mức đóng BHYT nên phải sử dụng Quỹ dự phòng khám chữa bệnh để bù đắp bội chi.

Sau khi Bộ Y tế họp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, các bên đã thống nhất tới tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 và các cơ quan này sẽ tiếp tục khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng: Cắt giảm dịch vụ không cần thiết, sắp xếp số dịch vụ hiện nay thành khoảng 2.000-3.000 dịch vụ khám chữa bệnh, ban hành định mức và xây dựng giá của các dịch vụ này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.

Nguồn chinhphu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục