Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phó Thủ tướng Thường trực: Cần bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại
Chủ nhật: 08:33 ngày 28/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn, do Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức.

Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu tại lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Dự án có quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TPHCM, TP. Cần Thơ và TP. Phnompenh của nước bạn Campuchia. An Giang cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, ngoài cây lúa, thổ nhưỡng thích hợp cho trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt như cá, tôm...

Với những ưu đãi về thiên nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng An Giang có lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Dư địa phát triển kinh tế của An Giang còn rất lớn, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa tiềm năng của vùng đất này, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự an. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Theo Phó Thủ tướng, trả lời cho vấn đề trên, An Giang cần bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam. “Và điều đáng mừng là ngay từ năm 2012, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho An Giang”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Ông cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến sản xuất truyền thống.

Nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đang trong giai đoạn "thiên thời, địa lợi", sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu nên còn nhiều dư địa, nhu cầu nội địa đối với sữa, sản phẩm sữa ngày càng cao.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các đại biểu tại trang trại heo giống công nghệ cao Việt Đan Tịnh Biên của Tập đoàn THACO. - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Do đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc An Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn TH đầu tư thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang”. Dự án được triển khai với định hướng phát triến bền vững, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Ông cũng biểu dương, đánh giá cao Tập đoàn TH trong những năm qua đã có những đóng góp nổi bật cho nền nông nghiệp Việt Nam với tư cách là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đánh thức tiềm năng của nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng đất còn nhiều khó khăn, các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như tại Nghệ An, Hà Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Phú Yên, Lâm Đồng, Sóc Trăng.

Sự xuất hiện của Tập đoàn TH đã góp phần đưa đàn bò sữa Việt Nam tăng từ 41.000 con năm 2001 lên hơn 335.000 con năm 2020; sản lượng sữa tươi sản xuất hàng năm tăng hơn 17 lần, từ 64.000 tấn năm 2001 lên trên 1,1 triệu tấn năm 2020; tỷ lệ sữa bột nhập khẩu từ 92% tại thời điểm năm 2008 đã giảm xuống gần 60% và hiện đang tiếp tục giảm.

Không chỉ thế, hiện TH đã trở thành một thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của nông nghiệp Việt Nam khi đầu tư dự án lên đến 2,7 tỷ USD vào Liên bang Nga; là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tới thời điểm này được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi Việt Nam vào thị Trung Quốc hay xuất khẩu các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe tới thị trường Mỹ, dự án nông nghiệp lớn tại Australia.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn theo tinh thần Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng. - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Để Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang thực hiện hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ An Giang và Tập đoàn TH triển khai Dự án đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan và địa phương tạo liên kết vùng sản xuất, cung ứng, phân phối, tiêu thụ sữa, sản phẩm từ sữa trong thời gian tới, đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng các văn bản pháp quy, hình thành quỹ đất công làm nền tảng, cơ sở thu hút mời gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về phía tỉnh An Giang, cần tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp thực hiện xây dựng thành công dự án. Đối với chủ đầu tư, cùng với tập trung nguồn lực và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành theo kế hoạch, cần chú trọng đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Đồng thời, lưu ý tạo điều kiện việc làm cho bà con đã chia sẻ, nhường đất cho dự án để cùng nhau phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn theo tinh thần Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng. - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Với quyết tâm của tỉnh An Giang, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nỗ lực của chủ đầu tư và sự đồng thuận của người dân trong vùng, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung của TH sẽ thành công, trở thành mô hình điển hình, góp phần hoàn thành mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng ngày, tại An Giang, Phó Thủ tướng đã dự Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn theo tinh thần Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây và chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”; đến thăm Dự án heo giống công nghệ cao Việt Đan Tịnh Biên của Tập đoàn THACO.

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục