BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tái cơ cấu toàn diện Vinashin với 3 bước đi phù hợp

Cập nhật ngày: 23/11/2010 - 09:58

Trong trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 23.11 về việc tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang tái cơ cấu toàn diện tập đoàn này với “3 bước” đi phù hợp là ổn định, củng cố và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên họp đã đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kiêm Trưởng ban Tái cơ cấu tập đoàn Vinashin làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Tái cơ cấu toàn diện

Theo Phó Thủ tướng, sau thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu Việt Nam vào năm 2005-2006, ngành đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng lâm vào tình trạng phá sản như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

Khi lâm vào tình trạng này, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã “cứu” nền công nghiệp đóng tàu một cách hiệu quả như “bơm” vốn để phục hồi phát triển, trong khi đó đóng tàu nước ta không có vốn "bơm" vào. Vì vậy, các nhà máy đóng tàu của Vinashin rơi vào tình trạng đình trệ, công nhân thiếu việc làm, công nợ cao.

Điều đó đặt chúng ta trước lựa chọn phải tái cơ cấu tập đoàn này để phát triển nền công nghiệp đóng tàu biển, thực hiện chiến lược biển. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương và quyết định theo đúng tinh thần về phát triển kinh tế biển. Tức là phải tái cơ cấu thành công và bảo đảm cho được nước ta vẫn phải có một nền công nghiệp đóng tàu phát triển xứng đáng với tiềm năng kinh tế biển của đất nước.

“Nếu không tái cơ cấu, cơ sở vật chất hiện nay của tập đoàn này sẽ thành đống sắt vụn. Nếu tái cơ cấu thì tập đoàn này sẽ phục hồi, sẽ phát triển và tự trả được nợ”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm rõ thêm về việc tái cơ cấu Vinashin.

Tập thể công nhân đóng tàu có quyết tâm cao

Theo Phó Thủ tướng, việc tái cơ cấu tập đoàn đã được bắt đầu từ năm 2008 khi cắt giảm các dự án đầu tư và thu hồi vốn của Vinashin góp vào những dự án khác. Từ 185 dự án xuống còn 106 dự án và đến thời điểm này chỉ tập trung vào 13 dự án. Sang đầu năm nay, chúng ta lại tiếp tục tái cơ cấu Vinashin khi chuyển một số ngành sang Tổng công ty Hàng Hải (Vinalines) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

Bây giờ chúng ta đang tái cơ cấu bước 3 theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị. Tình hình hiện nay qua 6 tháng thực hiện tái cơ cấu “bước 3” cho thấy rõ tư tưởng và quyết tâm chính trị rất cao của toàn bộ hơn 50.000 cán bộ, công nhân của Vinashin tạo ra quyết tâm mới để khôi phục và phát triển Vinashin.

“Tôi đã xuống từng cơ sở để thăm và động viên anh em đóng tàu và quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, quyết tâm của Chính phủ và sự đồng thuận của xã hội, động viên anh em công nhân phấn khởi cùng nhau bắt tay vào công việc”, Phó Thủ tướng nói.

Đến nay tất cả công nhân của Vinashin đã có việc làm, tiền lương đạt 2,8 triệu đồng/tháng, công nhân làm việc vận tải tàu biển bình quân đạt 6 triệu đồng/tháng, công nhân chuyển sang đơn vị dầu khí cũng được 3 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của Vinashin bắt đầu phục hồi với 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng để bảo đảm cho tập đoàn hoạt động, 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, 27 con tàu đang dở dang cũng tái khởi động. Năm nay chúng ta đóng được 66 con tàu, trong khi kế hoạch lúc đầu chỉ là 57 con tàu.

Phó Thủ tướng cho biết, với doanh thu khoảng 600 triệu USD từ 66 con tàu và doanh thu của công nghiệp phụ trợ, năm nay Vinashin sẽ có doanh thu 14.000 tỷ đồng và đang đàm phán ký 110 hợp đồng đóng tàu cho năm 2011.

4-5 năm sau Vinashin sẽ có lãi

Về khả năng trả nợ của Vinashin, Phó Thủ tướng cho rằng, khi kinh tế phục hồi, tàu bán được thì có tiền trả nợ và phát triển. Với các doanh nghiệp hiện tại cần tái cơ cấu tiếp bằng nhiều giải pháp, không thể vội vàng bán đi mà phải từng bước tái cơ cấu như cổ phần hóa, cho thuê… để thu hồi lại vốn.

Với số tiền mà Vinashin đang gánh, nếu thị trường vận tải thế giới phục hồi nhanh, giá vận tải biển tăng lên, giá đóng tàu nhanh lên, tái cơ cấu với đội ngũ quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả thì tình hình sẽ ổn định sớm hơn.

Tuy nhiên, trước mắt trong khoảng 2 năm tới, Vinashin vẫn còn lỗ, nhưng từ năm 2013-2014 sẽ có lãi để trả nợ. Đây chính là hướng đi của tập đoàn khi tái cơ cấu.

Về kiểm điểm trách nhiệm, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng liên quan và tập đoàn một cách công bằng. Hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì việc này rất nghiêm túc và kết quả sẽ công khai trước công luận.

Như vậy, có thể nói Bộ Chính trị đã chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin một cách tổng thể, toàn diện, cả tư tưởng, kinh tế, nhân sự một cách nghiêm minh. Việc điều tra, xử lý cũng đang được tiến hành với những người vi phạm, cố ý làm trái.

Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phải qua “3 bước” để vực dậy Vinashin, là: củng cố, ổn định và phát triển. Ba bước đi này cần có thời gian 4-5 năm, không đơn giản nhưng không được chủ quan.

“Nếu “thiên thời”, “địa lợi” và “nhân hòa” tốt nữa, Quốc hội ủng hộ, công luận ủng hộ, anh em công nhân đã sẵn sàng, chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

(Theo chinhphu.vn)