Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: 9 nhiệm vụ cần làm để phòng, chống thiên tai năm 2024
Thứ bảy: 08:35 ngày 11/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc ứng phó với thiên tai.

Sáng 10-5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Mùa hè năm nay nắng nóng gay gắt hơn
Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ TN&MT, cho biết năm 2024 nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ xảy ra sớm.

Từ tháng 4 đến tháng 6, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Tại Nam Bộ, nắng nóng tiếp tục duy trì đến khoảng nửa đầu tháng 5.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, báo cáo tại hội nghị. Ảnh: ĐINH HUY

Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tháng 7 và 8, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Từ nửa cuối tháng 8 và 9, nắng nóng mới có xu hướng giảm dần ở khu vực này.

Về tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên và Nam Bộ, ông Cường cho biết sẽ còn tiếp diễn từ nay đến nửa đầu tháng 5, Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài đến tháng 8.

Về bão/áp thấp nhiệt đới, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết từ khoảng nửa cuối tháng 6, khả năng sẽ có bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Dự báo có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn hơn. Đặc biệt có khả năng mưa lớn tập trung nhiều trong các tháng cuối năm 2024 tại khu vực Trung Bộ.

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai.

Thiệt hại do thiên tai được giảm thiểu tối đa cho thấy các cấp bộ ngành Trung ương, các địa phương đã có sự chủ động hơn, nhất là trong công tác dự báo và ứng phó.

“Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn của năm 2023 có tiến bộ hơn rất nhiều, đó là điều rất đáng mừng” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: ĐINH HUY

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại. Đó là nhận thức của một số cán bộ và người dân có lúc, có nơi còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng thực hiện tốt. Một số quy định pháp luật hiện nay chưa thông suốt hoặc quá cũ, không còn phù hợp thực tiễn...

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra chín nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp bộ ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự, trên tinh thần cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn vấn đề chưa rõ thì đưa vào quyết định, thông tư, hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị tăng cường và đa dạng hoá các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ ngành và người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố cho sát với thực tiễn nhất. Tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.

Từng địa phương tập trung nâng cao năng lực điều hành của mình; tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương bởi đây mới là người chỉ huy trực tiếp tại chỗ, mới có thể ra quyết định sáng suốt nhất và hợp lý nhất tại thời điểm xảy ra sự cố, thiên tai.

Ông Trần Lưu Quang mong các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia khác; hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nhất là trong công tác dự báo chính xác.

Cạnh đó, quan tâm đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi.

Thiên tai cực đoan ngay từ đầu năm 2024
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước khiến 14 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 400 tỉ đồng.

Trước đó trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.964 trận thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỉ đồng…

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục