Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản mà không khai thác, phát triển kinh tế hợp lý nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản sẽ có lỗi rất lớn”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý.
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo và đông đảo đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTT&DL, các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Phát triển kinh tế mà làm hỏng di sản là có lỗi rất lớn'.
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Hội nghị là dịp để đánh giá một cách tổng quát nhất về tình hình thực hiện chiến lược, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành chiến lược mới, xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học tốt, phân tích thời cơ, thách thức và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng chiến lược văn hóa mới, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị về xây dựng và phát triển văn hóa, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiến nghị: Phải nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của văn hóa; xây dựng văn hóa cần phải được coi là khâu đột phá trong phát triển đất nước. Ngoài ra, cần khắc phục bệnh nói không đi đôi với làm, bệnh thành tích. Người có văn hóa phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường về văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.
Nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân rất quan trọng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Muốn xây dựng, phát triển và nhân rộng các việc làm, mô hình văn hóa phải nâng cao và đẩy mạnh công tác tuyên truyền những việc tốt, nét đẹp người Hà Nội.
"Quy tắc ứng xử nơi công cộng quy định chuẩn mực ứng xử chung nhưng nhận thức và thói quen phụ thuộc vào từng cá nhân, nhất là nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Do đó, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài", bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết: Những năm qua, các nhà văn hóa thôn, xã được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, phù hợp với nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức các thiết chế văn hóa còn bất cập, chưa ưu tiên quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhiều nơi lấy hội trường của UBND cấp xã phục vụ các hoạt động văn hóa. Xây dựng cơ sở văn hóa ở vùng núi, nhà văn hóa cấp xã, thôn chỉ để phục vụ tiêu chí chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội còn tồn tại nhiều hiện tượng chưa đẹp như: đi lại tự do không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng thiếu văn hóa, phong cách ứng xử quá phóng khoáng hoặc tùy tiện, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa… Cùng với đó là hiện tượng “fan” cuồng hò hét, quỳ gối trước “thần tượng” nhưng lại không biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi, thói quen kinh doanh “bún mắng, cháo chửi” xem thường khách hàng, xả rác bừa bãi, chiếm dụng vỉa hè và công viên cây xanh để làm nơi bán hàng, biến ghế đá công viên thành “giường trời”…
Văn hóa như dòng chảy, là quá trình nỗ lực sáng tạo
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những ý kiến của Phó Thủ tướng được ngành VHTTDL xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là phương châm, định hướng và quyết tâm chính trị để chuẩn bị cho chiến lược phát triển văn hóa phù hợp trong thời gian tới.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những thành quả đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại ở các lĩnh vực văn hóa trong việc thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, so với thời điểm 10 năm trước đời sống kinh tế - xã hội đã có sự thay đổi rất nhiều, thị trường văn hóa khi ấy mới manh nha hình thành và môi trường văn hóa trên không gian mạng so với bây giờ cũng chưa phát triển. Bởi vậy, đánh giá một cách khách quan và tổng thể, dựa trên những sở cứ và số liệu cụ thể, ngành văn hóa đã có những bước tiến rõ rệt.
Ví dụ như lĩnh vực điện ảnh cách đây 10 năm lúc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trên mới có trung bình chưa đầy 10 phim ra rạp trong một năm, tới nay con số này đã tăng lên hơn 40 phim. Hay như số lượng rạp chiếu cũng tăng đáng kể.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Văn hóa như dòng chảy, là quá trình nỗ lực sáng tạo. Hai năm gần đây, khách du lịch đến Việt Nam tăng, không thể thiếu sự đóng góp của văn hoá, con người Việt Nam với sự thân thiện, mến khách, cùng nhiều di sản đặc sắc, độc đáo đang được gìn giữ, phát huy, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; Thể thao phát triển, đạt nhiều thành tích cao, đặc biệt là bóng đá. Các vận động viên tham dự SEA Games vừa qua đã thi đấu như những chiến binh, bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm với Tổ quốc, đó chính là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong 10 năm qua đã có sự thay đổi tích cực.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. “Chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản không khai thác, phát triển kinh tế hợp lý nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản sẽ có lỗi rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý và nêu thực tế ở nhiều di sản thiên nhiên, văn hoá đang đứng trước nguy cơ “biến dạng” do những doanh nghiệp đầu tư chưa có đủ tiềm lực, kinh nghiệm, hiểu biết.
“Hàng triệu năm mới hình thành nên một ngọn núi, hàng ngàn năm mới có một dòng sông. Ngay cả phong trào nông thôn mới, ở một số nơi vì muốn có tiền mà lấp ao, sông, bán đất thu tiền, chưa nói đến các công trình lớn. Nhiều nơi nhắc đến mà những người làm văn hóa đều rất buồn, nhiều di sản thiên nhiên, nhiều di sản phi vật thể đứng trước nguy cơ hoàn toàn có thể bị hỏng”.
Trước độ mở và sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, không gian mạng đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến tư duy, suy nghĩ của thế hệ trẻ, đặt ra những yêu cầu rất mới trong phát triển con người, Phó Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này trong xây dựng chiến lược phát triển văn hoá 10 năm tới.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo cụ thể, thiết thực của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những ý kiến của Phó Thủ tướng được ngành VHTT&DL xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là phương châm, định hướng và quyết tâm chính trị để chuẩn bị cho Chiến lược phát triển văn hóa phù hợp trong thời gian tới.
Nguồn vietnamnet