BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phong cách làm việc của công chức phải gần dân

Cập nhật ngày: 12/01/2010 - 05:49

Tròn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường công tác dân vận", Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện tốt "Năm dân vận chính quyền" và phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong năm 2010.

Chuyển biến phong cách làm việc của công chức theo hướng gần dân

Thủ tướng yêu cầu bước chuyển trong phong cách làm việc của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị phải theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân và có trách nhiệm với nhân dân, chống tiêu cực, tham nhũng, phiền hà cho dân.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ tăng cường công tác cải cách hành chính trên các mặt: cải cách thể chế, đẩy mạnh thực hiện quy chế "Một cửa", "Một cửa liên thông", nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hoá, công khai hoá, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp tập trung làm tốt công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân. Bố trí lịch làm việc trực tiếp với cơ sở để tiếp xúc với cán bộ, công chức và nhân dân; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, qua đó tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhân dân.

Nhìn lại công tác dân vận thời gian qua

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Duy Việt, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, thời gian qua, nhiều Bộ, ngành, UBND các cấp đã chỉ đạo rà soát lại các cơ chế chính sách, bổ sung, xây dựng cho phù hợp, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Nhất là những chính sách về giá cả giải tỏa đền bù, thu hồi đất tái định cư; chính sách xoá đói, giảm nghèo, vùng sâu, vùng xa; chính sách cứu trợ bão lụt; chính sách xoá nhà tạm... Trong quá trình soạn thảo đã chú ý tổ chức tranh thủ lấy ý kiến của nhân dân, nhất là những chính sách nhân dân có nhiều quan tâm.

Đặc biệt, Chính phủ, UBND các cấp đã chủ động phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia vào việc chống lạm phát, suy thoái kinh tế và nhiều phong trào thi đua khác.

Hiện 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang tin điện tử (website) trên Internet; 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã có website hoặc Trang tin thủ tục hành chính trên internet. Bộ trưởng, Thứ trưởng tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân về những lĩnh vực của Bộ, ngành mình phụ trách.

Có một số tỉnh đã quy định thành quy chế về công tác dân vận trong công tác triển khai dự án, trong giải tỏa đền bù; có tỉnh còn bố trí Ban Dân vận thành cơ cấu tham gia bàn bạc, thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tham gia ý kiến bảo đảm  cho công tác dân vận trong quyết định, triển khai thực hiện dự án được tốt hơn.

Với tinh thần, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải tiến lề lối làm việc, phấn đấu đến hết năm 2010, sẽ bảo đảm trung bình là 60% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp Bộ, cấp tỉnh được đưa lên Trang tin/Cổng thông tin điện tử.

Năm 2010, cũng sẽ bảo đảm 100% cơ quan cấp Bộ, UBND cấp tỉnh có Cổng thông tin điện tử và 80% các trang này cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp.

Nếu những mục tiêu này đều được hoàn tất trong năm 2010 có nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng và rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước, đây sẽ là bước chuyển thực sự quan trọng của bộ máy hành chính quản lý nhà nước, đóng góp to lớn vào việc thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Theo chinhphu.vn