BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng chống dịch Covid-19: Không hoang mang, không chủ quan 

Cập nhật ngày: 15/02/2021 - 20:29

BTNO - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, chiều 15.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19 tổ chức cuộc họp trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị.

Quang cảnh tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.

Dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn phức tạp

Tính đến 11 giờ ngày 15.2, thế giới ghi nhận 109.345.397 ca và 2.409.978 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân hồi phục là 81.377.518 và còn 25.459.306 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 98.595 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 28.252.624 trường hợp mắc và 496.939 trường hợp tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.916.172 người (155.764 trường hợp tử vong).

Tiếp theo là Brazil với 239.245 trường hợp tử vong trong số 9.834.513 ca nhiễm. Trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc mới ghi nhận giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Đối với Việt Nam, từ ngày 25.1 đến 15.2, cả nước ghi nhận 642 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hoà Bình, Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Giang. Luỹ tích trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.234, trong đó có 1.302 ca trong nước.

Từ 18 giờ ngày 14.2 đến 11 giờ ngày 15.2, Việt Nam ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới, trong đó 4 trường hợp tại Hải Dương đã cách ly tập trung từ trước và 2 trường hợp tại Hà Nội.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận, trong vòng 16 ngày qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương) có xu hướng giảm ca mắc trong ngày, thời gian đầu ghi nhận trung bình 15 ca/ngày.

Riêng 4 ngày nghỉ Tết gần đây chỉ còn ghi nhận 1 đến 2 ca trong ngày. Sáu tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc mới gồm Hải Phòng, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương và Hưng Yên.

Trong 6 ngày nghỉ Tết vừa qua đã ghi nhận tổng cộng 158 trường hợp mắc trong nước tại 7 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Nhìn chung, tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế với các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Bảy ngày vừa qua TP Hồ Chí Minh ghi nhận rải rác từ 1 đến 2 ca trong ngày, riêng 2 ngày gần đây không có ca mắc.

Trong số các tỉnh, thành phố xuất hiện ca bệnh, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn phức tạp, có khả năng còn kéo dài với 10/12 huyện đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. 

Đặc biệt, các cụm, khu công nghiệp tại huyện Cẩm Giàng có số lượng công nhân lớn (60.000 người), việc giao thương, đi lại thuận tiện với các địa phương và rất nhiều người đã di chuyển về các địa phương, khu vực trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong đó, Công ty Kuroda Kagaku tại Cẩm Giàng có 12 ca mắc, hơn 400 công nhân của công ty đang thực hiện cách ly tập trung.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi đã có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chi viện nguồn lực chống dịch cho tỉnh Hải Dương và các địa phương khác.

Theo tinh thần đó, tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28.1 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện rà soát, truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh hoặc về từ vùng dịch, đặc biệt, yêu cầu tất cả các trường hợp đi về từ Cẩm Giàng, Hải Dương từ 15.1 đến nay và những người sống cùng nhà phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời. 

Ban Chỉ đạo đề nghị tỉnh Hải Dương quyết liệt thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương chỉ đạo, xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để phong toả trên diện hẹp, giãn cách theo Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn (hiện mới thực hiện tại 1 huyện, 1 thành phố) để khoanh vùng xử lý triệt để dịch.

Thực hiện triệt để việc giãn cách trong các khu vực đang phong toả hoặc giãn cách xã hội; chính quyền cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà thông báo và yêu cầu thực hiện nghiêm việc giãn cách để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, không để tình trạng kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế tập trung, không để lây lan rộng trong khu cách ly; đánh giá mức độ nguy cơ và giải toả ngay khu cách ly tập trung ở khu vực Trường nghề Canada, Trường Chu Văn An do khu vực này đã có mật độ lây nhiễm cao.

Tỉnh Hải Dương phối hợp với Quân khu 3 thống nhất việc giao quản lý, vận hành tại một số cơ sở cách ly tập trung dân sự có số lượng cách ly lớn.

Đề nghị Quân khu 3 xem xét đưa công nhân ở nhà máy Poyun, nhà máy Kagaku về các tỉnh/thành phố lân cận để cách ly tập trung, nhằm giảm áp lực cho Hải Dương. Tăng cường phòng, chống lây nhiễm và xét nghiệm trong khu cách ly...

Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Không tổ chức các lễ hội sau Tết Nguyên đán, tiếp tục tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ không thiết yếu, hạn chế tối đa việc tập trung đông người.

Tổ chức thực hiện khai báo y tế bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại nơi công cộng và các khu vực tập trung đông người như địa điểm tâm linh, khu tham quan, du lịch; khách sạn, nhà nghỉ, nơi lưu trú; nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Đề cao vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.  

Chuẩn bị sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ về nhân lực, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị và các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để chủ động, xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Tiếp tục chủ động rà soát triệt để các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới; thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng và yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ quan, bộ, ngành và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. UBND tỉnh, thành phố phối hợp Bộ Quốc phòng thống nhất việc giao quản lý, vận hành cơ sở cách ly tập trung dân sự khi cần thiết; cho phép thực hiện các chế độ như với cơ sở cách ly tập trung của quân đội.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thuỷ; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thông tin về việc thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K. Thực hiện khai báo y tế tự nguyện, thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch; khuyến cáo không phân biệt đối xử với các trường hợp mắc bệnh, để người dân chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, yên tâm khai báo y tế, không để xuất hiện tình huống hoang mang, hoảng loạn trước diễn biến mới của dịch bệnh.

Địa phương quyết định việc học hoặc tạm nghỉ sau tết

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, ổ dịch lớn nhất tại TP Chí Linh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại huyện Cẩm Giàng, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến đáng lo ngại, do đó, từ trưa 15.2, quyết định giãn cách toàn tỉnh đã được đưa ra.

Tại Hà Nội, lãnh đạo địa phương này cho học sinh phổ thông, mầm non nghỉ học đến hết tháng 2. Riêng các trường cao đẳng, đại học tăng cường dạy online.

Tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo địa phương này nêu những bất thường của một số bệnh nhân mắc Covid - 19, theo đó có nhiều người không thể hiện triệu chứng rõ rệt. TP Hồ Chí Minh đã phong toả một số địa điểm để phòng chống dịch lây lan, đồng thời cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28.2, chuyển sang học trực tuyến.

Đại diện UBND tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương này đã xét nghiệm cho gần 40 ngàn người, có hai trường hợp xét nghiệm lần 1 âm tính nhưng lần 2 lại dương tính. Lãnh đạo TP Hải Phòng thông tin, tình hình dịch bệnh đang được khống chế, chưa phát hiện ca nào lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, có tổng cộng hơn 4 ngàn người đang cách ly tại các cơ sở của quân đội. Tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức tuyển quân bình thường, đề nghị các địa phương quan tâm công tác chống dịch để công tác tuyển quân đảm bảo.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên có một thông điệp về việc chuẩn bị vaccine để người dân, doanh nghiệp yên tâm. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, các trường đại học đã lên kế hoạch dạy trực tuyến cho sinh viên, hiện tại nhiều trường thông báo cho sinh viên nghỉ học.

Đối với học sinh mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các địa phương theo dõi sát tình hình để quyết định việc học hay nghỉ. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao kiến nghị đẩy mạnh việc hỗ trợ công dân Việt Nam về nước, hiện vẫn còn hơn 80 ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng về nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19 đề nghị các địa phương chuẩn bị cơ sở cho việc cách ly người nhiễm bệnh. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương quan tâm đến chất lượng máy móc, công nghệ xét nghiệm. “Ngay cả khi có vaccine thì việc tiêm chủng cũng mất nhiều thời gian, vì thế phải cảnh giác cao từ nay cho đến mùa hè. Việc học, nếu chưa tin chắc, chưa an tâm thì cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc đánh giá các địa phương nghiêm túc quán triệt các chỉ thị về công tác chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến nay, các địa phương có dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

“Đây là thành công lớn”- Thủ tướng nhận định và biểu dương các lực lượng đã nỗ lực không ngừng nghỉ, không đón Tết để phòng chống dịch, trong đó có nhiều y, bác sĩ, vì trách nhiệm, nghĩa vụ đã hy sinh tình cảm riêng tư, “nhờ đó nhân dân đón tết yên vui” - Thủ tướng nói.

Sắp tới, ưu tiên khống chế dịch bệnh, không để dịch lan rộng, đặc biệt là Hải Dương. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 một cách nghiêm túc, kịp thời, tạm dừng lễ hội, các hoạt động nghi lễ tôn giáo, có thể tạm dừng việc học, nếu xét thấy cần thiết, điều này do địa phương tự cân nhắc quyết định. Nhà máy, xí nghiệp phải có phương án phòng chống dịch, trước khi đi vào hoạt động sau Tết cổ truyền.

Ngành Y tế phải xét nghiệm kỹ các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Lực lượng quân đội đảm nhận, quản lý các khu cách ly tập trung. “Chúng ta không đặt vấn đề dừng kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh phải an toàn” - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Ngoài Hải Dương, hai địa phương khác là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải giãn cách xã hội một số khu vực, tuỳ tình hình cụ thể. Tinh thần chung là không để dân hoang mang nhưng cũng không để người dân chủ quan với dịch bệnh. “Bộ Ngoại giao nghiên cứu trình phương án để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về” - Thủ tướng yêu cầu.

VIỆT ĐÔNG

Đối với Tây Ninh, sau khi cuộc họp trực tuyến với Trung ương kết thúc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chỉ đạo các cơ quan liên quan, Sở Y tế tham mưu kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong doanh nghiệp khi kỳ nghỉ Tết cổ truyền kết thúc. Chính quyền các cấp cho tổ dân cư tự quản tiếp nhận thông tin những người từ địa phương khác đến Tây Ninh sau Tết Tân Sửu, sau đó, y tế cơ sở là nơi tiếp nhận thông tin khai báo y tế.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải cho nhân viên, viên chức, cán bộ- nếu ra khỏi địa phương dịp Tết cổ truyền vừa qua- khai báo cụ thể hành trình. Sở GD&ĐT sớm có báo cáo UBND tỉnh về thời gian cho học sinh đi học trở lại, trường hợp phải tạm cho học sinh nghỉ học thì cần có kế hoạch dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng đào tạo.