Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 9.5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu Tây Ninh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Tây Ninh.
Do tính cấp bách của việc chống dịch, cùng thời điểm này, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mở cuộc họp trực tuyến với các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Sau khi đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ở khu vực biên giới của huyện Tân Biên, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đưa ra nhận định: tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Một bệnh viện lớn đã bùng phát điểm dịch, trong khi đây là cơ sở y tế điều trị cho chính người bệnh.
Mặc dù thực hiện nghiêm khâu cách ly nhưng vẫn còn sơ hở khiến dịch bệnh lây lan ra ngoài, dẫn đến bùng phát dịch ở một số nơi. Trước tình hình đó, tất cả mọi người phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và mở rộng tiêm chủng. Tại các tỉnh có đường biên giới, Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện công tác đối ngoại, trên tinh thần hữu nghị nhưng phải làm đúng, thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nhập cảnh trái phép,
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trình bày tóm tắt về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Theo đó, kịch bản ứng phó với dịch bệnh đã được tính đến, kể cả trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Hiện tại, Tây Ninh chưa phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm ghi nhận trên địa bàn đều nhập cảnh; có 400 người đang cách ly tập trung. Tây Ninh đang tạm dừng các loại hình dịch vụ không cần thiết, dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người; đồng thời hỗ trợ cho bốn tỉnh của Campuchia có chung đường biên giới một số trang thiết bị để các địa phương của nước bạn phòng, chống dịch bệnh.
“Tây Ninh quyết tâm cao nhất để không xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nói và thông tin thêm, trên tuyến biên giới có tổng cộng 136 chốt ngăn chặn người nhập cảnh trái phép; tỉnh đã xây dựng thêm 32 khu cách ly, đủ chỗ cho 10.000 người cách ly.
Phát biểu ý kiến, đại diện Bộ Y tế đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch bệnh của Tây Ninh. “Dịch bệnh ngày càng phức tạp, càng về sau càng khó xử lý; ở một số nước, người chết không ngừng tăng”- lãnh đạo Bộ Y tế nói, đồng thời nhận định, trong những ngày tới, số người nhiễm bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất với một số tỉnh khu vực Nam bộ
Trong thời gian Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm việc ở Tây Ninh, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh khu vực Nam bộ có chung đường biên giới với Campuchia về phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia về tình hình nhập cảnh, cư trú trái phép và cả vấn đề buôn lậu trong trong thời gian này. “Trong lúc này, khi còn kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta cần đề cao cảnh giác, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đây đang là lúc nước sôi lửa bỏng, vì thế mới có cuộc họp trực tuyến này, mong lãnh đạo địa phương thông cảm”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau 10 ngày dịch bùng phát, toàn quốc có 333 ca nhiễm. Tại các tỉnh biên giới Tây Nam, tình hình xuất nhập cảnh trái phép đang diễn ra rất phức tạp, bao gồm cả người Trung Quốc và người Campuchia.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, không thể xem thường nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ở các tỉnh phía Nam. “Lãnh đạo các tỉnh phía Nam phải luôn coi địa phương mình đang có dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo và đề nghị các tỉnh tăng công suất xét nghiệm cho người nghi nhiễm bệnh.
Nguyên tắc chống dịch hiện nay là, chủ động chống dịch nhưng phải ổn định tình hình, trong đó đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng, phong toả trên diện hẹp chứ không chỉ lo truy vết như trước đây. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận, việc truy vết những người từng đến các điểm dịch vụ vui chơi giải trí không đơn giản, vì nhiều người giấu giếm người thân, gia đình.
Đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo, từ đầu tháng tư đến nay, cơ quan này đã cách ly hơn 2.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, ngay trong buổi sáng 9.5, có 22 lượt người Campuchia nhập cảnh trái phép. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có các buổi làm việc với người đồng nhiệm nước bạn để thảo luận công tác phòng, chống dịch. Hệ thống bệnh viện trong Quân đội sẵn sàng để hỗ trợ, chi viện cho các tỉnh khi có nhu cầu.
Lãnh đạo Bộ Công an thông tin, Bộ đã và đang chủ động phòng chống dịch, đặc biệt tại cơ sở giam giữ. “Có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư để bảo lãnh cho nhiều người nước ngoài được ưu tiên không đúng đối tượng, tức họ không phải chuyên gia” - lãnh đạo Bộ Công an thông tin và cho biết đang xử lý việc này.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 9, hơn 4.000 người bao gồm nhiều lực lượng của Quân khu đang làm nhiệm vụ chống dịch trên tuyến biên giới Tây Nam. Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7 báo cáo, trên địa bàn Quân khu có 55 điểm cách ly, trong đó có 17 điểm thuộc dân sự, số còn lại của lực lượng vũ trang. Từ cuối tháng 4 đến nay, Quân khu đã tăng cường cho các tỉnh trên địa bàn gần 1.000 người tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Về phía các địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Phước khẳng định nghiêm túc phòng chống dịch, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo địa phương này thông tin đã chuẩn bị cơ sở cách ly cho khoảng 10.000 người. Ở Đồng Tháp có hiện tượng nhiều người nhập cảnh qua cửa khẩu về Việt Nam nhưng không có giấy tờ tuỳ thân.
Phát biểu ý kiến, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, lo lắng nhất hiện nay là, Campuchia dỡ bỏ phong toả, có thể nhiều người từ bên kia biên giới sẽ tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam. Tại Long An, còn 20 người Trung Quốc đã hết thời hạn cách ly nhưng chưa trả họ về nước được. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang báo cáo, địa phương này có cả đường biên giới trên biển và trên bộ nên việc ngăn chặn người nhập cảnh trái phép khó khăn hơn so với một số địa phương khác.
Có mặt tại điểm cầu Tây Ninh, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, dịch bệnh ở Campuchia đang cực kỳ phức tạp. Dự báo trong thời gian tới, khoảng hơn 1.000 người Việt Nam sẽ từ Campuchia về nước, đồng thời, khoảng 3.000 người Việt Nam tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào cũng về nước.
Bộ Ngoại giao kiến nghị, cho phép đồng bào về nước bằng con đường chính thức để hạn chế nhập cảnh trái phép; đề nghị các địa phương cung cấp thông tin cụ thể những người nước ngoài hết hạn cách ly ở Việt Nam nhưng không chịu về nước để Bộ làm việc với đồng nhiệm nước bạn.
Nguy cơ hiện hữu
Phát biểu cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình một lần nữa nhấn mạnh, khác với biên giới phía Bắc, địa hình biên giới phía Nam bằng phẳng nên người nhập cảnh trái phép dễ vượt qua các chốt kiểm soát, “chỉ cách một dòng sông, một con suối là đã qua biên giới rồi”- Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến người Trung Quốc trên địa bàn các tỉnh trong khu vực, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các cơ quan hữu quan tìm giải pháp, trả về nước họ. “Chúng ta không hoang mang nhưng nếu không cảnh giác, sẽ phải trả giá rất đắt”- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cảnh báo.
Theo Phó Thủ trướng, trong trường hợp cần thiết, tuỳ tình hình cụ thể, có thể áp dụng cách ly xã hội trên diện rộng ở một số địa phương. “Tập trung thực hiện tốt bốn tại chỗ, tăng cường chống dịch tại địa phương, không nên trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, Bệnh viện K đã như thế rồi”- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhắc nhở.
Đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu ý kiến (tại điểm cầu Tây Ninh).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, rút kinh nghiệm từ tỉnh Hải Dương khi phải cách ly hàng ngàn người trong khoảng thời gian ngắn (Hải Dương cách ly 3.000 người chỉ trong một đêm) dẫn đến bị động. Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cho cơ chế đặc biệt, để địa phương tự thực hiện xét nghiệm, không thể trông chờ vào cơ sở tuyến trên, vì nếu tất cả các tỉnh phía Nam dồn vào Viện Pasteur ở TP Hồ Chí Minh thì không thể nào đáp ứng được. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị hết sức cân nhắc vấn đề cho người nhập cảnh vào Việt Nam.
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong toàn quốc đã hiện hữu, do đó, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung cao nhất cho công tác này. “Biên giới phía Nam thuận lợi đối với người nhập cảnh trái phép, do địa hình, địa lý” - Thủ tướng lưu ý. Trong vấn đề truyền thông, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đã và đang xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo về công cuộc chống dịch của Việt Nam, kể cả trong việc tiêm vaccine.
Thủ tướng nhấn mạnh, một số địa phương có dấu hiệu thiếu chuẩn bị, lơ là trong phòng chống dịch, vì thế khi xảy ra một vài ca bệnh, lãnh đạo địa phương hốt hoảng dẫn đến áp dụng các biện pháp chống dịch một cách cực đoan. “Lúc này không còn nể nang, né tránh, lãnh đạo các địa phương phải có biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả hơn. Dịch bệnh đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành. Tinh thần chủ đạo hiện nay trong phòng chống dịch là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, tích cực, tích cực hơn nữa, quyết liệt, quyết liệt hơn nữa” - Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm các ổ dịch đã xuất hiện và không để xuất hiện ổ dịch mới. “Lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát, đặc biệt ở khu vực biên giới. Phải chuẩn bị cho kịch bản 30.000 người nhiễm”- Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông không để thế lực thù địch bóp méo thông tin về “chiến dịch” chống dịch ở Việt Nam. “Nơi nào để xảy ra dịch bệnh đến mức không thể bầu cử được, làm trì trệ sản xuất kinh doanh, nếu được xác định do nguyên nhân chủ quan thì dứt khoát sẽ xử lý người đứng đầu nơi đó”- Thủ tướng tuyên bố.
VIỆT ĐÔNG