Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống đuối nước cho trẻ
Chủ nhật: 22:28 ngày 23/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ đầu tháng 4 đến nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước, gây ra những cái chết thương tâm cho các em nhỏ. Cụ thể, ngày 2-4, hai học sinh đi chăn bò chết đuối tại hồ nước Bàu Hàn, tỉnh Nghệ An; ngày 5-4, hai học sinh Trường THCS Trần Phú bị đuối nước khi rủ nhau ra tắm tại khu vực hồ trung tâm thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông; ngày 6-4, một học sinh lớp 5 bất ngờ trượt chân chết đuối trong lúc đùa giỡn khi đi chơi dọc bờ hồ thủy điện Thác Mơ, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; ngày 14-4, hai học sinh lớp 8 lại chết đuối tại sông Đồng Nai, tỉnh Bình Dương khi cùng các bạn ra sông chơi;... Trước đó, ngày 29-3, một vụ đuối nước xảy ra tại xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cũng làm chết bốn học sinh.

Đuối nước là tai nạn thường xảy ra với các em nhỏ, nhất là vào mùa hè. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và người vị thành niên (chiếm hơn 50%), nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng chín trẻ chết do đuối nước.

So với các nước phát triển, tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần và hơn 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển.

Đáng nói, khi tiến hành thống kê tỷ lệ trẻ chết do đuối nước tại bốn quốc gia: Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Việt Nam và Thái-lan, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF nhận định rằng, trong ba thập kỷ qua, các quốc gia đã có nhiều tiến bộ mạnh mẽ không ngừng trong việc giảm các bệnh truyền nhiễm, nhưng không có tiến bộ nào đạt được trong việc giảm tỷ lệ chết do đuối nước.

Nguyên nhân khách quan đã được đề cập do môi trường sống nhiều sông, suối, ao, hồ, bờ biển dài, mưa lũ diễn ra nhiều… làm tăng nguy cơ đuối nước ở trẻ em.

Chưa kể, những bể chứa nước, hồ công trình, thậm chí bồn tắm ở thành phố; giếng nước, hố vôi, mương… ở nông thôn cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước đối với trẻ em.

Về nguyên nhân chủ quan, một phần do những em biết bơi thường rủ rê, lôi kéo những em không biết bơi. Trong khi, những em không biết bơi lại hứng thú, tò mò, muốn vui cùng bạn bè, cho nên không lường trước được hậu quả.

Ngoài ra, có những em biết bơi nhưng khi xảy ra những trường hợp bất ngờ như chuột rút, bị thương... thì lại không có kinh nghiệm xử lý, ứng phó do chưa được trang bị kỹ năng.

Vì thế, kỹ năng bơi lội, xử lý sự cố ở dưới nước và cứu người đuối nước là rất quan trọng mà bất kỳ phụ huynh và trường học nào cũng phải trang bị cho trẻ để bảo đảm an toàn tính mạng cho chính trẻ và những người chung quanh.

Đặc biệt, những kỹ năng nêu trên không chỉ được học lý thuyết mà cần phải chú trọng nhiều đến thực hành, bằng cách tạo ra những tình huống giả định dưới sự giám sát của huấn luyện viên chuyên môn, để các em có thể xử lý nhanh chóng, kịp thời với những tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra trong thực tế…

Nhằm góp phần hỗ trợ trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được tiếp cận các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Đề xuất chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, hơn 80% số trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi…

Với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành có liên quan, cùng ý thức bảo vệ an toàn cho con em của các bậc phụ huynh cũng như ý thức tự bảo vệ chính mình của mỗi em nhỏ để không xảy ra những cái chết thương tâm như thời gian vừa qua.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục