BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng chống rửa tiền không gây cản trở sản xuất, kinh doanh

Cập nhật ngày: 15/11/2011 - 10:29

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền trong buổi làm việc tại tổ chiều ngày 9.11, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đồng tình sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền; vì tội rửa tiền mới được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta, trong khi các quy định về phòng ngừa và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế.

Theo đại biểu Nguyễn Hoài Phương, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc nội luật hoá các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của nước ta. Đại biểu đề nghị luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền”. Còn việc tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Trong khi dự án Luật Phòng, chống khủng bố cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Tiền, tài sản tài trợ cho khủng bố có thể có nguồn gốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đều phải bị ngăn cấm. Nếu chỉ phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như quy định trong dự án luật là chưa đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Hoài Phương đề nghị, cần có sự thống nhất giữa quy định về các hành vi rửa tiền trong dự án luật với quy định về các hành vi rửa tiền trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước,  đề nghị xem xét tính khả thi của việc quy định “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống rửa tiền” (Điều 35, Khoản 2) vì đối tượng áp dụng của luật này rất rộng và hiện chịu sự quản lý trực tiếp của nhiều bộ, ngành khác nhau, như: Bộ Tài chính (đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán…), Bộ Xây dựng (đối với hoạt động kinh doanh bất động sản), Bộ Tư pháp (hoạt động luật sư, công chứng).

Về cơ quan phòng, chống rửa tiền, Điều 43 của dự án luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chức năng làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao các thông tin liên quan đến rửa tiền... Trong khi đó, hành vi rửa tiền theo định nghĩa (Điều 4) thì không chỉ liên quan đến các giao dịch ngân hàng. Do đó, đại biểu đề nghị việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, các lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

DUY QUANG