Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn 

Cập nhật ngày: 05/08/2022 - 00:01

BTN - Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.

Lễ công bố quyết định thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. (Ảnh: Phương Thảo)

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền và sự giám sát của các cơ quan dân cử, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong cả ba khâu phòng ngừa, phát hiện và xử lý.

Kết quả này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự ổn định xã hội để phát triển. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập, công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương cũng như nghị quyết của Tỉnh uỷ về tăng cường công tác PCTN,TC giai đoạn 2021-2025.

ÐẨY MẠNH PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM

Gần đây, một số vụ tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, sai phạm trong quản lý tài chính, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị… đã bị điều tra, xét xử.

Ðơn cử như vụ việc có dấu hiệu tham nhũng xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, vào tháng 9.2021, ông T.V.P với vai trò là Trưởng khoa Dược đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc mua sắm 3.000 khẩu trang N95 với giá 35.000 đồng/chiếc nhưng sau đó đổi lấy loại khác giá 15.000 đồng/chiếc, hưởng bất chính số tiền chênh lệch 60 triệu đồng.

Qua tự kiểm tra, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Châu đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của ông P vào ngày 1.10.2021; đến ngày 16.2.2022 chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Châu. 

Ðây là một trong những vụ có dấu hiệu tham nhũng bị phát hiện, xử lý thông qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2022. Qua đó có thể thấy việc kiểm tra, tự kiểm tra trong nội bộ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm, xử lý kịp thời những người liên quan và giảm tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực như công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… đã và đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng tích cực cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích.

Ðối với việc chuyển đổi vị trí công tác, trong 3 năm qua có nhiều chuyển biến, năm 2019 chuyển đổi vị trí công tác đạt 55%, năm 2020 đạt 54%, năm 2021 đạt 63% và tiếp tục được tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thi hành pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến khá tốt trong 3 năm gần đây và luôn bám sát chủ trương, định hướng, quy định của Ðảng, Nhà nước. Tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh tuy có phát sinh nhưng đa số đều được kịp thời chỉ đạo, xử lý theo quy định.

Trong kỳ giám sát (từ 1.7.2019 đến 31.12.2021), qua các hình thức kiểm soát hành chính, thụ lý tố giác và điều tra đã phát hiện 20 vụ/46 người có dấu hiệu tham nhũng; tổng số tài sản tham nhũng phát hiện trong kỳ là trên 8,7 tỷ đồng, đã thu hồi trên 8,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, phát hiện 1 vụ/1 người có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra xác minh; đã khởi tố 2 vụ, 7 bị can, xét xử sơ thẩm 5 vụ/9 bị cáo, xét xử phúc thẩm 2 vụ/4 bị cáo và 15 vụ/37 người đang được tiếp tục xử lý, chưa có kết quả xét xử.

Ðối với xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, 6 tháng đầu năm 2022, đã xử lý kỷ luật 3 lãnh đạo, xử lý hình sự 1 lãnh đạo, 2 lãnh đạo đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phát biểu trong chương trình giám sát việc triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Ban Pháp chế HÐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Ðức Trong cho biết, hiện nay, UBND tỉnh tập trung PCTN,TC đối với ba lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường.

Ðể góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, hạn chế sai sót, sai phạm, tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể để minh bạch hoá việc thu, chi, nhất là thu, chi nguồn vận động xã hội hoá đúng quy định; tập huấn về cơ chế tự chủ, quản lý tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Những tháng cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Trong đó, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN,TC, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ÐỘNG BAN CHỈ ÐẠO

Do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác PCTN,TC hiện nay được Trung ương đẩy mạnh hơn theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo (BCÐ) cấp tỉnh) trực thuộc Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đồng thời, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCÐ Trung ương trong công tác PCTN, TC tại địa phương.

Theo Quy định số 67-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, BCÐ cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong tháng 6.2022 vừa qua, BCÐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh được thành lập với 15 thành viên do Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm làm Trưởng Ban.

BCÐ tỉnh cũng đã ban hành quy chế làm việc có hiệu lực từ ngày 8.7.2022, trong đó, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của BCÐ, của trưởng ban, phó trưởng ban thường trực, phó trưởng ban, uỷ viên BCÐ, cơ quan Thường trực (Ban Nội chính Tỉnh uỷ), chế độ làm việc và quan hệ công tác.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, hoạt động của BCÐ cấp tỉnh về PCTN,TC không những khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà còn được xem là cánh tay nối dài của Trung ương, là sự quyết tâm của toàn Ðảng bộ trong công tác PCTN,TC.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh kết luận chương trình giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: PCTN là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất… do người khác biếu xén, cho, tặng, hối lộ… với động cơ không trong sáng.

Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo Tổng Bí thư, PCTN,TC là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. 

Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Ðồng thời, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Ðảng và Nhà nước về PCTN,TC, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực… tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Hải Ðăng