Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm
Thứ bảy: 06:39 ngày 22/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tập trung vào công tác phòng ngừa hơn ứng phó; ưu tiên nguồn lực để công tác cảnh báo, dự báo kịp thời và chuẩn xác hơn; chú trọng công tác truyền thông để xây dựng ý thức của người dân; làm tốt công tác phối hợp...

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Chiều 20.4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; cuối tháng 3.2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai năm qua còn bộc lộ hạn chế như: vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn; thiệt hại về người do lốc, sét chiếm tỷ lệ lớn (59 người, chiếm 34%). Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hạn chế.

Việc thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích có nơi chưa được chú trọng; trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn, giông, lốc, sét còn hạn chế; trong một số trường hợp thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn chưa được kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu thực tế của các địa phương; chưa có dòng ngân sách riêng để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhiều căn nhà trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu bị tốc mái do bị ảnh hưởng mưa lớn kèm lốc xoáy ngày 15 - 16.4.2023.

Dự báo tình hình thiên tai, bão lũ còn diễn biến phức tạp. Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai; triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng.

Hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thuỷ lợi, thuỷ điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.

Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển. Nâng cao chất lượng dự báo, bảo đảm yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai- nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai.

Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, nhất là tại Văn phòng thường trực các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai và trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kiện toàn, nâng cao năng lực cơ quan tìm kiếm cứu nạn các cấp. Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; rà soát bổ sung các kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử lý mọi tình huống; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập theo phương án đã xây dựng.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tập trung vào công tác phòng ngừa hơn ứng phó; ưu tiên nguồn lực để công tác cảnh báo, dự báo kịp thời và chuẩn xác hơn; chú trọng công tác truyền thông để xây dựng ý thức của người dân; làm tốt công tác phối hợp, phân công rõ ràng trong công tác phòng, chống thiên tai; trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cần chú ý đến công tác ứng phó với thiên tai, có sự chăm sóc đầu tư tốt hơn cho những vùng bị ảnh hưởng thiên tai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia về tình hình thiên tai năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 đến tháng 10 và giảm dần từ tháng 11.

Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ mức báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục