BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng, chống tội phạm phải thường xuyên, liên tục

Cập nhật ngày: 30/09/2010 - 12:24

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, phòng chống tội phạm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Sáng 30.9, Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2010.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo Hội nghị.

Giảm tội phạm hình sự

 Trong 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính Nhà nước về an ninh trật tự như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; thực hiện hàng nghìn hồ sơ quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự về buôn bán phụ nữ và trẻ em. Nhiều tổ chức, đường dây phạm tội, gần 1.000 tụ điểm về ma túy  trong đó có các tụ điểm ma túy lớn, phức tạp, có liên quan đến yếu tố nước ngoài, đã bị triệt phá…

Nhiều mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại cơ sở đã được xây dựng, qua đó tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào công tác phòng, chống tội phạm.

Từ năm 1998 đến nay, cả nước đã giảm được 10,07% số vụ phạm pháp hình sự  so với giai đoạn 1986 – 1997, trong đó một số địa phương giảm mạnh như TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định…

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm 12 năm qua, Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như, công tác phòng, chống tội phạm chỉ đạt được hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò nòng cốt của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia của toàn xã hội.

Trong phòng, chống tội phạm, phải hết sức coi trọng công tác truyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác này. Cần vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về lấy dân làm gốc, phát huy tinh thần làm chủ và vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Bên cạch đó, trong điều kiện mở cửa, hội nhập, công tác phòng chống tội phạm cần phải coi trọng hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người; buôn bán, vận chuyển ma túy; rửa tiền…

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ, các cấp, các ngành phải xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các thành phố, thị xã lớn, địa bàn biên giới…

Để đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, cần có cơ chế  khuyến khích cũng như kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm.

Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới, trong đó có việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, qua đó Chính phủ sẽ cụ thể hóa Chỉ thị để ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 – 2015.

Công tác phòng, chống tội phạm được thực hiện lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như đói nghèo, dịch bệnh, việc làm; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

(Theo chinhphu.vn)