Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những ngày đầu năm, nhiều người đi chùa thường có thói quen mua chim phóng sinh như một cách làm công quả, tích đức. Thả chim phóng sinh tuy là việc thiện nhưng lại vô tình khiến hàng ngàn chú chim chết oan khi cứ bị thả ra, bắt lại.
Những năm qua, việc mua bán chim phóng sinh bị lên án khá nhiều nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dạo quanh các ngôi chùa lớn tại Tây Ninh trong dịp này, không khó để bắt gặp việc bày bán chim phóng sinh vẫn còn phổ biến và xôm tụ.
Chim phóng sinh được bỏ trong những chiếc lồng sắt chật hẹp.
Đến hẹn lại lên, người bán chim phóng sinh mang những chiếc lồng, bên trong là đủ loại như chim sẻ, chim én, chim yến, chim sắc…. Chúng bị nhồi nhét, chen chúc trong những chiếc lồng sắt chật hẹp, cả ngày không có lấy giọt nước hay hạt thóc, cốt chỉ để trưng bày, chào mời người mua. Con khỏe mạnh thì còn nhảy nhót qua lại, nhiều con xơ xác đến tội, chúng đờ đẫn, rũ rượi vì lâm vào vòng lẩn quẩn của cảnh mua đi bán lại.
Giá chim phóng sinh không hề rẻ, mỗi con được bán khoảng 15 ngàn đồng, thế nhưng vẫn rất “hút hàng”, nhiều người sẵn sàng chi đến vài triệu bạc để mua với mong muốn hành thiện, tích đức đầu năm. Khi có khách tới mua, người bán bốc từng con chim san qua một chiếc lồng nhỏ giao cho người mua mang đi cầu nguyện, rồi phóng sinh.
Chim phóng sinh thu hút nhiều người đến mua.
Khi được thả ra, con nào yếu thì chao đảo rồi té bò lê dưới đất, để rồi bị bắt lại hoặc phơi xác làm mồi cho kiến. Những con còn bay nổi cũng chỉ đủ sức lượn vật vờ vài chục mét, sau đó tiếp tục mắc bẫy quay về lồng sắt. Cứ thế, chúng bị bắt vào, rồi thả ra cho đến khi không còn sức để bay, gục chết thảm. Thậm chí nhiều người bán còn sẵn sàng ra tay tỉa lông lũ chim này để chúng không thể bay xa, để dễ dàng bắt lại.
Chim phóng sinh hầu như không có đường thoát với đủ loại bẫy, từ bẫy lưới cho tới bẫy keo, chim mồi… Một số lượng lớn còn chưa kịp phóng sinh thì đã chết trong quá trình vận chuyển mua đi bán lại giữa mối, thương lái. Còn người mua thì vẫn cứ vô tư với suy nghĩ mình đang hành thiện, tích đức chứ không biết rằng bản thân vô tình tiếp tay cho việc sát sinh. Nhất là khi số phận lũ chim sau khi được thả ra không biết sẽ đi đâu về đâu, hay trở thành đặc sản trong một quán nhậu nào đó.
Chim được đưa sang qua một chiếc lồng nhỏ để khách mang đi cầu nguyện, rồi phóng sinh.
Hiện nay, một số điểm hành hương cũng đã xuất hiện biển báo nghiêm cấm mua bán chim phóng sinh, như tại Chùa Bà (Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen). Hy vọng rằng những hành động thế này sẽ được nhân rộng, lan tỏa để góp phần hạn chế được sự biến chất của việc mua bán chim phóng sinh, chấm dứt cảnh chết thảm đầy đau lòng của những chú chim phóng sinh trong những ngày đầu năm mới.
Hòa Khang