BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phụ nữ Tây Ninh chung tay hướng về phụ nữ vùng biên 

Cập nhật ngày: 11/03/2022 - 01:22

BTNO - Tiếp theo chương trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, chiều 10.3, tại trung tâm thảo luận của Đại hội, bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh có bài tham luận với nội dung: “Phụ nữ Tây Ninh chung tay hướng về phụ nữ biên giới sẻ chia khó khăn, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân cho biết, xuất phát từ thực tiễn đời sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng biên còn nhiều khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, ngay sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình giai đoạn và hằng năm; triển khai đến 100% Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố, các đồn biên phòng trên địa bàn.

Chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp triển khai khảo sát thực tế và nhu cầu hỗ trợ, thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giúp đỡ cụ thể, thiết thực cho cả giai đoạn và kế hoạch hằng năm, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn mang lại hiệu quả bền vững; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ tham gia nhắn tin ủng hộ và có kế hoạch, định hướng hoạt động cụ thể thực hiện Chương trình.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tặng quà phụ nữ khó khăn tại chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương.

Đồng thời, Hội LHPN tỉnh tham mưu, xin ý kiến Tỉnh uỷ về việc thực hiện chương trình và vận động xã hội hoá trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự nguyện đóng góp hỗ trợ thực hiện chương trình.

Để chương trình tạo được sự đồng thuận cao, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trong 3 năm thực hiện chương trình, bên cạnh nguồn lực tự có, các cấp Hội Phụ nữ và các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng đã không ngừng tranh thủ kết nối, vận động các tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương, đa dạng các mô hình sinh kế bền vững giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho chị em tiếp cận được phương pháp, cách thức làm kinh tế hiệu quả để giảm nghèo, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã biên giới.

Kết quả, trong 3 năm (2018-2020), các cấp Hội trên địa bàn tỉnh vận động đóng góp thực hiện chương trình trên 28 tỷ đồng, đạt 2.134% so với số tiền dự kiến vận động để hỗ trợ cho trên 1.500 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, qua đó có 437 hộ vươn lên thoát nghèo, thông qua các hoạt động: xây tặng 62 Mái ấm tình thương; trao 40.323 phần quà; 3.460 suất học bổng; hỗ trợ 357 phụ nữ khởi sự kinh doanh; 420 hội viên vay vốn (trong đó có 200 hội viên vay vốn sinh kế lãi suất 0%); 20 con bò sinh sản.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân nhấn mạnh, với sự đổi mới, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện, chương trình đã thực sự mang lại những giá trị to lớn, có sức lan toả sâu rộng đến hội viên, phụ nữ.

Chương trình không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ có ý chí vươn lên, mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có sinh kế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường, góp phần hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền các xã biên giới trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở và địa bàn biên giới vững mạnh.

Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình giai đoạn 2018-2020, thực hiện chỉ đạo của Trung ương hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Tây Ninh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vừa tiếp tục hỗ trợ các xã được chọn giai đoạn 2018-2020, vừa tập trung nguồn lực hỗ trợ 3 xã giai đoạn 2021-2025.

Hội LHPN tỉnh tặng quà tại chốt Biên phòng.

Trong đó đáng chú ý, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam nói chung và tại Tây Ninh nói riêng với những diễn biến vô cùng nhanh, phức tạp, đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, tác động nghiêm trọng, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các cấp Hội đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại các xã biên giới, như: tặng vật tư y tế phòng, chống dịch cho tuyến đầu các chốt, trạm; trao quà cho hộ gia đình hội viên bị ảnh hưởng dịch bệnh; tặng các nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, thuốc và một số thiết bị y tế cho hội viên phụ nữ trị giá trên 9,5 tỷ đồng.

Riêng đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động thực hiện chương trình tại 5 xã biên giới. Qua các hoạt động đã giúp gắn kết hơn nữa tình quân dân, cùng chung tay góp phần chăm lo cho chị em đón Tết Nhâm Dần được đầy đủ, giảm bớt khó khăn, đồng thời phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong tham gia bảo vệ giữ vững an ninh vùng biên giới.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh còn tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ cán bộ Hội vùng biên giới như bám sát địa bàn trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chuyên đề về công tác quản lý hội viên, phụ nữ; định hướng nội dung, hỗ trợ kinh phí tổ chức các buổi truyền thông trên địa bàn 5 huyện biên giới; đề xuất các huyện nội địa nhận đỡ đầu, đồng hành cùng xã biên giới; triển khai các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia nhắn tin ủng hộ chương trình qua tổng đài 1409 theo từng đợt phát động của Trung ương hội LHPN Việt Nam.

Ngoài ra, Hội LHPN Tây Ninh còn thành lập fanpage Tây Ninh Đồng hành cùng phụ nữ biên cương để kịp thời đăng tải các thông tin liên quan đến thực hiện chương trình ở các địa phương, đồng thời vận động cán bộ Hội các cấp tích cực tham gia và tương tác trên fanpage Đồng hành cùng phụ nữ biên cương của Trung ương hội.

“Để đạt được những kết quả như trên, trước hết là do sự quan tâm sâu sát của Trung ương hội LHPN Việt Nam và của các cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện cho các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động trong chương trình; được các ban, ngành, đoàn thể ủng hộ, cùng tham gia phong trào với phụ nữ”- bà Phan Thị Thuỳ Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, của Trung ương hội, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh; tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu của chương trình; nội dung, hình thức tuyên truyền đổi mới, sáng tạo, phong phú thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia; nhiều gương phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện chương trình được kịp thời biểu dương, nhân rộng. Từ đó, chương trình được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, có sự lan toả sâu rộng, tạo được sự đồng thuận, chị em phụ nữ tích cực tham gia.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tặng quà tại chương trình Xuân biên cương do Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tổ chức.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, cách thức và nội dung của chương trình đến hội viên, phụ nữ. Truyền thông sâu rộng, đa dạng chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong các hoạt động Hội; các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình hiệu quả đến đông đảo các tầng lớp nhân dân để tạo sự lan toả của chương trình.

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững; để chương trình thật sự “thắp lửa” cho chị em phụ nữ vùng biên, góp phần cùng chung tay với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên của Tây Ninh và Tổ quốc.

Tố Tuấn – Mỹ Kiều