Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phụ nữ Tây Ninh thời Trương Quyền chống Pháp
Thứ năm: 15:49 ngày 17/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về vai trò của phụ nữ Tây Ninh. Người ta đã biết nhiều về công sức và cả máu xương các bà, các chị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, ngay từ buổi ban đầu trong cuộc kháng chiến đầu tiên chống Pháp những năm 1860, hình ảnh phụ nữ Tây Ninh đã in đậm trong ký ức nhân dân.

Trước khi vào vấn đề này, xin điều chỉnh một vài chi tiết nhỏ trong chuyên khảo của Võ Nguyên Phong- bài “Một số tư liệu về nhân vật lịch sử Trương Quyền” (Tạp chí Xưa Nay, số tháng 5.2024). Đấy là ở trang 15, có đoạn: “Nghĩa quân Miên - Việt trong thời gian ngắn đã giết hai sĩ quan cao cấp là đại uý Savin de Larclause vào ngày 7.6.1866 tại Vĩnh Cửu, và đặc biệt là cái chết của viên sĩ quan chỉ huy quân sự cao nhất ở Tây Ninh là trung tá Marchaise vào ngày 14.6.1866 tại xóm Vịnh đã gây rúng động cho chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn…”. Mục đích không có gì khác hơn là làm cho một nghiên cứu dày công và rất kỹ lưỡng của tác giả được vẹn toàn.

Đình Long Giang tôn vinh Lãnh binh Két là thành hoàng.

Chi tiết ấy, một là địa danh Vĩnh Cửu. Đúng ra phải là Vĩnh Cư. Bởi năm ấy ở tổng Hoà Ninh, Tây Ninh- vùng hoạt động chủ yếu của Trương Quyền, theo Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (2008) thì đến đầu Pháp thuộc có 14 thôn. Đến ngày 12.11.1872 mới: “nhập các thôn Vĩnh Cư và Xuân Sơn lại thành thôn Vĩnh Xuân”. Như vậy tài liệu của người Pháp, nếu ghi chép ngay sau sự việc, thì cái chết của đại uý Larclause sẽ là ở thôn Vĩnh Cư.

Thôn này chắc là ở xa hơn về phía Bắc thôn Xuân Sơn, hiện địa điểm ấy có tên là Bến Trường Đổi thuộc khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh. Cũng do vậy mà các sử liệu ở Tây Ninh thường ghi trận đánh ngày 7.6.1866 là trận Bến Trường Đổi.

Một ý nữa cũng ở trong đoạn văn đã trích. Đấy là nói về trung tá (hay quan Năm) Marchaise là “sĩ quan chỉ huy quân sự cao nhất ở Tây Ninh” cũng là chưa chính xác. Sự thật là đại uý Larclause - chủ tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ đã là sĩ quan cao cấp nhất ở Tây Ninh. Còn Marchaise là sĩ quan thuộc Soái phủ ở Sài Gòn.

Theo Giáo sư Trần Văn Giàu trong Chống xâm lăng (2001) thì sau trận Bến Trường Đổi: “Được tin, đô đốc La-gơ-răng-de cấp tốc gửi chiến thuyền “Long-din” đem quân cứu viện đến Tây Ninh; quân cứu viện này do quan năm Mác-se-zơ (Marchaise) cầm đầu…

Trong khi quan năm Mác-se lên Tây Ninh bằng đường thuỷ từ Sài Gòn thì quan ba Fơ-rô-mi-ê đem viện binh lên Tây Ninh bằng đường bộ từ Trảng Bàng; quân của Fơ-rô-mi-ê vừa qua thì quân khởi nghĩa Việt - Khơ-me đánh phá hai trạm Truông Mít và Cầu Khởi…”.

Chúng tôi trích luôn cả câu cuối trong đoạn văn trên vì hai lý do. Một là, nó cho thấy đạo quân Việt - Khmer khi ấy mới mạnh mẽ và “xuất quỷ nhập thần” làm sao! Hai nữa là trận đánh vào trạm Cầu Khởi (thay ngựa trên đường thiên lý) có khả năng liên quan đến một nhân vật khác trong đội quân của Trương Quyền. Đấy là “Lãnh binh Két”, được coi là đã hy sinh tại đây, và dân làng sau đó đã lập đền thờ, tôn vinh ông như một vị thành hoàng.

Trở lại với chuyên khảo của Võ Nguyên Phong, có đoạn: “Sau khi Quản Định qua đời… cuộc bất ổn đã trở thành một cuộc nổi dậy rõ ràng xảy ra ở vùng lân cận Tây Ninh và toàn bộ khu vực giữa núi Chơn Bà Đen và sông Sài Gòn. Con trai Quản Định, Trương Huệ là người khó bắt giữ và đồng minh của anh ta gồm tham tán Hoi và Phu, đốc binh Tri, Tho, Đông và Ngưu, lãnh binh Kiêm, hiệp tán Quon, quản Khet… và những người khác…”.

Đồn binh Pháp đóng ở bờ sông Rạch Tra (nằm khu vực giáp Trảng Bàng và Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh ngày nay) năm 1861. Ảnh sưu tầm: Đ.H.T

Đáng chú ý trong danh sách trên là Quản Khet. Do phiên âm Việt Pháp của chữ Khét và Két là giống nhau, nên hoàn toàn có thể nghĩ Quản Khét trong danh sách do thông tin tình báo Pháp cung cấp kể trên chính là người được nhân dân vùng Quang Hoá gọi là Lãnh binh Két. Căn cứ chính của ông là ở vùng Long Khánh, Long Giang. Người dân Long Giang lập miếu thờ ông tại khu “Thành bảo Long Giang” và đình Long Giang. Ngoài ra ở Long Khánh vẫn còn một địa danh là Giồng Ông Thống, tương truyền là nơi ông từng chọn làm căn cứ.

Về vai trò của phụ nữ Tây Ninh. Người ta đã biết nhiều về công sức và cả máu xương các bà, các chị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, ngay từ buổi ban đầu trong cuộc kháng chiến đầu tiên chống Pháp những năm 1860, hình ảnh phụ nữ Tây Ninh đã in đậm trong ký ức nhân dân.

Sách Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh (1991) có ghi rõ vai trò của phụ nữ trong cuộc khởi nghĩa liên quân Việt - Khmer. Đấy là: “Nhiều thanh niên nam nữ vào nghĩa quân; lớp thì tham gia trực tiếp chiến đấu, lớp đi dân công tải gạo từ Gia Định, tải muối, mắm từ Bà Rịa đem về Trảng Giồng (An Cơ) và ở xã Mãnh Hoả nuôi nghĩa quân.

Nặng nhọc, cơ cực và nguy hiểm nhất là việc vận tải này, lại đa số là nữ dân công, có cả đồng bào người Khmer tham gia. Lực lượng tổ chức thành 2 đội do 2 nữ đội trưởng Nguyễn Kim Chi và Nguyễn Ngọc Diệp chỉ huy. Đội nữ dân công đã dùng bao cà-ròn đựng gạo, muối gánh vác len lỏi luồn rừng lội suối đi ngày, đêm theo vùng để tránh tai mắt địch.

Hai đội trưởng và nhiều chị em trong đội đều thông thạo võ nghệ để khi cần thì chiến đấu và chống thú rừng… Nhưng bọn chỉ điểm cũng rình mò theo dấu và dẫn Tây phục kích bắn chết 2 nữ đội trưởng và nhiều chị em…”. Sử liệu này rất đáng tin, vì nó được trích từ cuốn gia phả của một dòng họ có truyền thống tham gia chống ngoại xâm ở vùng Trí Bình, Hảo Đước. Là họ Nguyễn Hồng, có gốc từ châu thổ sông Hồng, rồi tuần tự qua các cuộc di dân vào miền Trung, tới miền Nam từ mấy trăm năm trước.

Đền thờ Lãnh binh Két ở thành bảo Long Giang.

Câu chuyện cũng khiến người ta liên hệ tới một hình ảnh phụ nữ khác trong đội quân phục vụ hậu cần cho Lãnh binh Két ở Bến Cầu. Ở đây cũng lưu truyền câu chuyện về một đội nữ dân công do Bà Trắng chỉ huy chuyên tiếp tế, hậu cần cho Lãnh binh.

Vậy nên ở Long Khánh, ngoài Giồng Ông Thống còn có một Rừng Bà Trắng. Ông Thống ở đây là người thống lĩnh nghĩa quân. Còn Bà Trắng- người chỉ huy dân công là một phụ nữ người Khmer (hoặc Chăm) chuyên lo việc tải gạo nuôi quân. Câu chuyện này do một lão nông - Trưởng Ban Quý tế đình Long Giang cung cấp.

Những câu chuyện được truyền tụng kể trên về phụ nữ Tây Ninh cũng rất phù hợp với các nghiên cứu mới nhất trong chuyên khảo của tác giả Võ Nguyên Phong. Bởi ông đã truy dấu cả nguồn gốc và con đường vận chuyển quân lương của thủ lĩnh Trương Quyền (theo các nguồn tin tình báo Pháp).

Đấy là: “Các tàu châu Âu do người Hoa cho mượn chở thuốc súng và đạn dược từ Singapore và gửi chúng gần Hà Tiên tại Cần Bột. Trương Huệ nhận hết ở Sa Đéc hay Vĩnh Long rồi chuyển qua Gò Công và tránh Mỹ Tho. Tại Gò Công, thuốc súng được một người tên Lạp chuyển về Tây Ninh…Rất có thể đó chính là mẹ của Trương Quyền, bà Lê Thị Lập vẫn đang trốn tránh quân Pháp ở Gò Công…”.

Theo những sử liệu đáng tin mà chúng tôi có được, thì thân mẫu của Trương Quyền là bà Lê Thị Thưởng. Nhưng điều rõ ràng là người này- người vận chuyển vũ khí cho nghĩa quân chính là người phụ nữ. Họ có thể là bất cứ ai, là các bà Kim Chi, Ngọc Diệp hay bà Trắng trong đội quân quần chúng đông đảo và không thể thiếu trong mọi cuộc kháng chiến chống xâm lăng.

Trần Vũ

 

Tin cùng chuyên mục