Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Phụ nữ với dòng sông
Thứ sáu: 20:30 ngày 08/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðọc tản văn “Liêu xiêu dáng mẹ” của Nguyên Hạ trên báo Tây Ninh (số thứ bảy, ngày 2.3.2019) không hiểu sao tôi lại nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ trên sông Vàm Cỏ Ðông chèo chống xuồng qua sông, dáng người nghiêng nghiêng đổ xuôi về phía trước. Và còn liên hệ vẩn vơ rằng, dáng người liêu xiêu này có phải bắt nguồn từ thuở những lưu dân đi mở đất?

Là bởi vì, trong ký ức xa xăm, người mở đất đến Tây Ninh chủ yếu cũng theo các dòng sông. Khi đã định cư, họ tiếp tục chèo lái qua sông mà làm lúa, nuôi vịt chạy đồng hoặc làm ăn, buôn bán. Miền đất này lại trải qua nhiều phen chống giặc. Khi ấy thì: “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con”. Và rồi: “Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh” (bài Ðất nước-Nguyễn Khoa Ðiềm). Có phải cái dáng người nghiêng nghiêng lúc chèo thuyền đã ăn sâu vào tập quán, để đến khi xa sông rồi nhiều người vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ long đong vất vả lúc trên đường?

Tôi mới gặp một người trong số họ đây! Một chị tần tảo “buôn gánh bán bưng” ở Bến Ðình, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Tất cả công cụ lao động của chị chất trên cái xuồng con bằng gỗ. Một chiếc xe đạp nằm sóng soài ở giữa. Ðầu mũi có thêm đôi cần xé (sọt tre). Trang phục của chị đơn giản nón trắng, áo hoa, quần cũng sậm hơn màu hoa tím lục bình. Dáng chị khi cầm chèo, xoay trở cho con xuồng vượt qua những giề lục bình ken đặc để rời bến thì vẫn là cái dáng của ngày xưa- dáng mẹ liêu xiêu.

Hỏi thăm thì chị bảo, nhà ở bên Long Vĩnh, ngày nào cũng đem vài ba thứ từ bến Giồng Nần đưa qua Bến Ðình. Từ đây lại lấy xe đạp, chở hai giỏ hàng vào chợ. Lúc ấy đã gần trưa, chị đã xong một nửa ngày lao động của mình. Và tôi tin rằng khi chị đạp xe với hai giỏ hàng lớn ấy, chị vẫn phải cong lưng, gồng mình lao về phía trước. Vẫn cứ phải là một dáng nghiêng nghiêng.

Bạn có tin không khi tôi kể ngày nay, những người ta thường gặp trên sông vẫn phần đông là phụ nữ. Tôi còn nhớ hình ảnh của bà lái phà qua bến Băng Dung, thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Tên bà gọi theo tên chồng là bà Mười thì phải. Người ta kể hai ông bà đã có thâm niên ba mươi năm chở khách sang sông. Ðò xưa đã nâng cấp lên phà nên bà ngồi ghế ung dung tay nắm vô- lăng mà lái. Lại cũng Phước Vinh vào mùa lũ năm kia, giữa mênh mang nước thượng nguồn sông đã tràn bờ, tôi vẫn thấy một bà mẹ già bơi chiếc xuồng con qua sông. Gương mặt phụ nữ giữa dòng sông nơi đây thật là bình thản. Cứ như họ sinh ra đã là một phần ruột thịt với dòng sông.

Thì người xưa đã từng viết đấy sao! Quan Hiệp tổng trấn Gia Ðịnh Trịnh Hoài Ðức viết: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất” (trong sách Gia Ðịnh thành thông chí). Dân gian có thêm câu ca dao: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Quan niệm dân gian gần như đã mặc định rằng phụ nữ mang tính âm- cũng là thuộc tính của dòng sông: chan chảy, dịu dàng, nhẫn nại… Thảo nào, họ gần gũi, gắn bó với dòng sông.

Chắc không phải ngẫu nhiên mà chương trình "Giai điệu tự hào" trên VTV1 tháng 3.2019 chủ đề trái tim người phụ nữ, lại mở màn bằng bài ca "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ban nhạc hiện đại Ngũ Cung biểu diễn. Một bộ trống, hai cây ghi ta điện, một giọng ca nam vừa khàn đục cũ xưa, vừa lảnh lót tươi mới… như sông. Thêm một lần, tôi đã choáng váng trước những giai điệu và hình ảnh dòng sông mẹ Vàm Cỏ Ðông.

Nổi bật trên bức tranh đại cảnh hoành tráng ấy là bóng hình người phụ nữ. Là: “em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng” khi mà “dòng sông chảy xiết”. Là “em đi cắt lúa trên ngàn” giữa “đường đi nước ngập mênh mang, bàn chân giẫm gai lòng không thở than”. Và cuối cùng: “Mai này kháng chiến thành công/ Anh về em thoả ước mong”. Không thể có điều gì bình tán thêm đâu, thưa các bạn!

Mấy bữa nay, báo Tây Ninh còn đưa tin sông Vàm Cỏ Ðông đang bị nạn lục bình, nhiều nơi nông dân qua sông gặt lúa mà không được. Thì hỡi người chị bán hàng ở Bến Ðình- Giồng Nần kia ơi! Chị có còn qua được sông để tiếp tục cuộc mưu sinh như những ngày thường?

NGUYỄN

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục