Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Văn Mỹ kiện Ngân hàng Công thương: Giữ nguyên bản án sơ thẩm 

Cập nhật ngày: 05/09/2018 - 18:08

BTN - HÐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Mỹ.

Vừa qua, TAND tỉnh đưa vụ án “Tranh chấp dân sự về yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Thị Tuyết Huệ (ngụ ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) và bị đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh (Ngân hàng Công thương) ra xét xử phúc thẩm. HÐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Mỹ.

Theo cấp phúc thẩm, giữa vợ chồng ông Mỹ, bà Huệ và Ngân hàng Công thương đều thống nhất hai bên có ký kết Hợp đồng tín dụng số 1108/HÐTD ngày 19.6.2001, vay 355.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 0,8%/tháng, tiền lãi trả vào ngày 19 hằng tháng.

Hai bên ký kết hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm khoản tiền vay theo hợp đồng tín dụng gồm có: đất thổ cư diện tích 234m2 và căn nhà cấp 4 trên đất toạ lạc tại phường 2, thành phố Tây Ninh; đất thổ cư diện tích 951,8m2 toạ lạc tại phường 3, thành phố Tây Ninh. Ông Mỹ, bà Huệ thực hiện nghĩa vụ trả tiền lãi ngày 27.6.2001 và ngày 31.7.2001 với số tiền 2.840.000 đồng.

Ngày 19.8.2001 là thời điểm trả tiền lãi kỳ hạn tiếp theo nhưng ông Mỹ không trả tiền lãi cho ngân hàng và cũng không có mặt ở địa phương. Như vậy, ông Mỹ vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Theo thoả thuận tại Ðiều VI, VII của hợp đồng tín dụng, ngân hàng có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi ông Mỹ vi phạm hợp đồng, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp.

Cụ thể, tại Ðiều 5 của Hợp đồng thế chấp số 382 và Hợp đồng thế chấp số 384 ký kết cùng ngày 19.6.2001, hai bên thoả thuận ngân hàng được quyền bán tài sản hoặc đề nghị tổ chức dịch vụ bán đấu giá tài sản bảo đảm. Thoả thuận này của hai bên phù hợp với quy định tại Khoản 1, Ðiều 34 Nghị định 178/1999/NÐ-CP ngày 29.12.1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay cho các tổ chức tín dụng và Khoản 1, 2, 3 Mục I; Khoản 1, Mục III phần B của Thông tư số 03/2001/TTLT ngày 23.4.2001 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Ðịa chính về hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ của các tổ chức, tín dụng.

HÐXX nhận định, Mục III quy định việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải phù hợp với quy định tại Mục I và các quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp không xử lý được theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, thì tổ chức tín dụng đưa tài sản ra bán đấu giá để thu hồi nợ hoặc khởi kiện tại Toà án.

Việc nguyên đơn cho rằng do ngân hàng không cung cấp được bản chính hợp đồng thế chấp tài sản nên việc thế chấp không có hiệu lực, không công nhận các nội dung trong hợp đồng thế chấp là không phù hợp với các chứng cứ khác và không phù hợp với thực tế.

Theo cấp phúc thẩm, xét về việc thực hiện các thủ tục trước khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nêu trên, Ngân hàng Công thương có vi phạm. Cụ thể, ngân hàng không đăng ký thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm với cơ quan có thẩm quyền là UBND phường 2, phường 3, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh). Các thủ tục khác, ngân hàng đã thực hiện đúng quy định Khoản 1, 2, 3 Mục I; Khoản 1, Mục III Phần B của Thông tư số 03 nói trên về việc ra thông báo, ấn định thời gian, lập biên bản xử lý tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm.

Mặt khác, ông Mỹ yêu cầu tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa ngân hàng với ông Tạ Thanh Liêm, ông Trương Văn Rồi (người mua tài sản do ngân hàng bán - NV) là vô hiệu, vì làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Mỹ, nhưng ông cũng xác định thời điểm ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm, vợ chồng ông Mỹ biết nhưng không có ý kiến hay tranh chấp gì.

Vợ chồng ông Mỹ nghĩ rằng, việc ông có nợ tiền ngân hàng phải bán tài sản để trả nợ là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ do trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng không đúng nên vợ chồng ông Mỹ khởi kiện. Ðồng thời, ông Mỹ, bà Huệ cố ý bỏ đi khỏi địa phương trên 12 năm, không liên lạc với ngân hàng để xử lý nợ vay, cũng như xử lý tài sản thế chấp, nay lại khởi kiện cho rằng quyền lợi bị xâm phạm là không phù hợp.

Cũng tại phiên toà cấp phúc thẩm, mặc dù phía ngân hàng có vi phạm về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm nhưng vi phạm này không gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Mỹ, bà Huệ tại thời điểm xử lý tài sản bảo đảm. Cấp sơ thẩm xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Mỹ, bà Huệ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Mỹ cho rằng, ngân hàng không thể áp dụng Khoản 1 Ðiều 34 Nghị định 178/1999/NÐ-CP để xử lý tài sản bảo đảm của ông Mỹ, bà Huệ vì giữa ngân hàng và ông Mỹ không có sự phối hợp để bán tài sản. Do đó, phải căn cứ Mục III, Phần B Thông tư liên tịch số 03, nghĩa là tài sản bảo đảm phải được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng cho rằng, ngân hàng xử lý bảo đảm theo thoả thuận quy định tại Mục I; Khoản 1, Mục III, Phần B Thông tư số 03/2001/TTLT ngày 23.4.2001.

Ðược biết, trước đó, vào năm 2015, vợ chồng ông Mỹ khởi kiện Ngân hàng Công thương với nội dung yêu cầu toà án huỷ kết quả bán đấu giá tài sản, đòi bồi thường thiệt hại vì cho rằng ngân hàng bán tài sản thế chấp thu hồi nợ trái quy định. Cấp sơ thẩm lần thứ nhất xét xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Ngân hàng bồi thường trên 9 tỷ đồng. Sau đó, cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ngân hàng, buộc ngân hàng phải trả cho vợ chồng ông Mỹ trên 6,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND Thành phố xét xử sơ thẩm lại với lý do: Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng ngân hàng trực tiếp bán tài sản thế chấp không có mặt nguyên đơn, không thông qua tổ chức bán đấu giá, không bảo đảm thời gian, sau khi bán đấu giá, không trả ngay số tiền còn lại cho bên bảo đảm để tuyên bố việc xử lý tài sản bảo đảm là sai quy định là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Ngân hàng có một phần lỗi khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất không đăng ký thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo quy định; nếu có thiệt hại xảy ra là chênh lệch giữa giá đất đưa ra bán đấu giá với giá ngân hàng chuyển nhượng vào năm 2001. Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ thiệt hại xảy ra tại thời điểm năm 2001 nhưng lại buộc Ngân hàng bồi thường theo giá đất tại thời điểm xét xử. Hai cấp xét xử không đưa các con ông Mỹ, bà Huệ vào tham gia tố tụng để xác định trách nhiệm của người giao tài sản bảo đảm.

ÐỨC TIẾN