Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Quà lưu niệm độc đáo ở Sa Pa (Lào Cai)
2011-10-13 11:53:00

Đến với Sa Pa, du khách được chiêm ngưỡng, mua sắm những món quà lưu niệm ý nghĩa như: vòng bạc, váy, áo, túi xách thổ cẩm… và giờ đây còn có cả những bức tranh đốt cháy, sản phẩm gỗ lũa độc đáo.

Đến với Sa Pa, du khách được chiêm ngưỡng, mua sắm những món quà lưu niệm ý nghĩa như: vòng bạc, váy, áo, túi xách thổ cẩm… và giờ đây còn có cả những bức tranh đốt cháy, sản phẩm gỗ lũa độc đáo.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006, cơ sở đồ gỗ Quang Vinh (tổ 7, thị trấn Sa Pa) là một trong hai địa chỉ sản xuất tranh đốt cháy, với nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo. Khi được hỏi về ý tưởng sản xuất ra tranh đốt cháy, ông Nguyễn Kim Hợi, quản lý cơ sở cho biết: Trong một lần đi du lịch Đà Lạt, ông thấy bán những bức tranh gỗ được chạm khắc theo hình thức đốt cháy, ông mua sản phẩm về và tự sáng tạo, mày mò ra cách làm tranh đốt cháy. Tính đến nay, cơ sở gỗ Quang Vinh đã sản xuất mặt hàng này được 6 năm, các sản phẩm làm ra được khách du lịch và thị trường rất ưa chuộng.

Tranh đốt cháy được làm từ việc tận dụng cành, rễ và những miếng gỗ thừa có màu sáng, loại gỗ làm tranh đốt cháy đẹp, bền nhất là: pơ mu, mít… Nguyên liệu để làm tranh đốt cháy được thu gom từ các cơ sở sản xuất gỗ, hay mua của người dân địa phương. Việc đầu tư trang - thiết bị để sản xuất tranh đốt cháy chỉ vài triệu đồng, trong khi đó lợi nhuận mang lại thì không nhỏ. Trao đổi với chúng tôi, chủ cơ sở Quang Vinh cho biết: Vào thời điểm có nhiều khách du lịch, trung bình mỗi ngày cơ sở bán được vài chục sản phẩm, doanh thu khoảng 7 - 8 triệu đồng. Để hoàn thành một sản phẩm tranh đốt cháy, người thợ phải trải qua các công đoạn như: chọn gỗ, hình thành ý tưởng và sáng tạo tác phẩm. Mặc dù không vất vả, nhưng công việc này đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, khéo léo, có óc sáng tạo và có hiểu biết về nghệ thuật. Với dụng cụ là những chiếc máy hàn nhiệt, được dùng như bút vẽ của hoạ sĩ, khi những mũi hàn nhiệt tiếp xúc với bề mặt gỗ sẽ tạo ra những đường vẽ màu đen (do gỗ bị đốt cháy). Không phải vẽ, thêu… mà là dùng phương pháp đốt cháy nên những bức tranh này khá độc đáo. Việc sản xuất tranh theo hình thức này còn tránh được lãng phí nguyên liệu gỗ thừa trong sản xuất đồ mộc. Giá của mỗi sản phẩm tùy thuộc vào kích cỡ và nội dung của bức tranh, những bức tranh trung bình có giá 60.000 - 70.000 đồng, nhưng cũng có bức giá lên tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí những sản phẩm cao cấp giá hàng triệu đồng. Gian hàng trưng bày các sản phẩm tranh đốt cháy của cơ sở Quang Vinh nằm khiêm tốn cạnh một quầy bán hàng thổ cẩm, nhưng đã thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan, mua sắm. Các bức tranh đốt cháy ở đây có nội dung rất phong phú, đa dạng, miêu tả khá chi tiết về cuộc sống, con người, thiên nhiên vùng cao nơi đây như: Sa Pa mùa thu, Thác Bạc, Ruộng bậc thang, Chợ tình… 

Đi dọc phố bán đồ lưu niệm, còn dễ dàng nhận thấy những sản phẩm gỗ lũa rất đẹp mắt, ấn tượng, mang đầy tính mỹ thuật. Gỗ lũa là những gốc cây, cành cây hay chỉ đơn giản là những đoạn thân cây có hình dáng kì lạ được thiên nhiên đẽo gọt, mài dũa do trải qua năm tháng bị vùi lấp dưới lòng đất, hoặc ở trên những núi cao theo con nước chảy trôi trên suối mà người dân đi rừng vớt được. Anh Sìn - một người chuyên làm nghề đào gỗ lũa ở xã Trung Chải cho biết: Gỗ lũa thường có trên những ngọn đồi, núi cao hoặc trong tận rừng sâu, để đào được một miếng gỗ lũa phải mất hàng ngày trời. Vốn là thân gỗ và có những chi tiết cầu kỳ, phức tạp, nên những người thợ đào gỗ lũa phải hết sức kiên trì, cẩn thận để đảm bảo giữ gìn được hình dạng tự nhiên vốn có của nó. Mỗi miếng gỗ lũa được anh Sìn bán với giá từ 500.000 - 1.200.000 đồng. Thu mua những miếng gỗ lũa từ những người thợ khai thác, ông Hợi tiếp tục đẽo gọt, đánh bóng, "thổi hồn" vào sản phẩm, tạo ra những hình dáng độc đáo, mang tính nghệ thuật cao. Những sản phẩm thường được ông tạo ra từ gỗ lũa như: Bát mã, ông Di Lạc ngồi gốc đào, Tứ linh, Tứ quý… có khi có giá trị đến cả trăm triệu đồng. Hiện nay, cơ sở Quang Vinh đang thử nghiệm gắn đá trên gỗ lũa để tăng thêm sự độc đáo cho sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Từ bàn tay cần cù, chịu khó cùng với óc sáng tạo, những nghệ nhân như ông Hợi đã làm cho những miếng gỗ "vô hồn" thành những sản phẩm nghệ thuật, quà lưu niệm độc đáo, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động, góp phần làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch Sa Pa.

K.D (st)

 

Từ khóa:
Tin liên quan