Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Qua miền biên giới Bến Cầu - Ghi chép của N.Q.V
Thứ bảy: 11:40 ngày 24/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cũng xin nói trước là miền biên giới này không bao gồm khu vực đông vui của cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; nơi từng có nhiều ý tưởng và dự án lớn lao như TP. Mặt Trời hoặc các khu siêu thị miễn thuế từng làm ăn rộn ràng đình đám vài năm trước.

Thu hái ớt.

Ðấy là miền biên giới thuộc các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Long Khánh và Long Phước, ở về phía Nam và Tây Nam huyện lỵ Bến Cầu. Bên này vẫn mênh mông những cánh đồng xen với những kênh mương của vùng đất thuần nông. Còn bên kia, nghe đâu đã là đất Bàu Quách, thấp thoáng những khối kiến trúc cao to và hiện đại. Vị sĩ quan biên phòng tôi gặp ở chốt Cầu Trắng bảo đó toàn là những casino.

Tôi đến được chốt Cầu Trắng này cũng là một sự tình cờ. Chẳng là khi gặp lại một cán bộ huyện Bến Cầu thì anh bảo: huyện mới hoàn thành con đường vành đai biên giới, vừa thuận tiện cho công tác bảo vệ vùng biên, vừa giúp dân dễ dàng trong làm ăn và mua bán nông sản.

Ðường rộng và đẹp, tha hồ mà ngắm cảnh trí hoang sơ. Anh còn chỉ vẽ: qua Thị trấn theo đường ra Mộc Bài, gặp kênh Ðìa Xù thì cứ bờ kênh bên phải mà đi. Ðến cầu Long Hưng thì rẽ trái, sẽ gặp con đường ấy. Vậy là tôi cứ theo bờ kênh mà “phượt” bằng chiếc xe Wave.

Ðến cây cầu nào bắc qua kênh cũng tưởng là cầu Long Hưng, nên vội vượt qua. Ðến khi gặp chốt cầu Trắng, mới biết đấy chỉ là Cầu Trắng. Sĩ quan biên phòng bảo: cầu Long Hưng á? Cứ phải chạy thêm năm, bảy cây số nữa. Thôi tạm dừng chân nghỉ mệt rồi đi. Nói đoạn, anh rót nước châm trà mời khách.

Ghim thuốc lá vàng.

Trạm chốt biên cương gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chỉ đơn giản thế này ư? Một căn buồng nhỏ kiểu nhà cấp bốn. Dựng trước một lối mòn cho dân địa phương qua lại. Ai có chứng minh thư biên giới thì qua. Ðường chỉ vừa một lối cho xe máy.

Chưa nhìn thấy đường biên đâu cả, chỉ một cánh đồng hoang vu ngun ngút cỏ. Một đàn trâu cả trăm con lút mình trong đó, phía đằng xa. Lại có một con mương rộng tới năm, bảy mét ngay trước cửa trạm đục ngầu nước đỏ. Anh sĩ quan biên phòng giải thích: đấy là lối trâu đi, lâu ngày trũng xuống thành mương.

Vậy thì lúc chúng đi về, có khác nào cảnh trong phim “Mùa len trâu” quay ở miền Tây Nam bộ. Tiếc rằng, chúng đi sớm quá, còn về khi đã muộn chiều. Ðành hì hụi tiếc không chụp được cảnh “len trâu” ở đồng đất Bến Cầu.

Nhưng cũng còn một điều thú vị nữa đây! Ðấy là Bến Cầu vẫn tồn tại những “rỗng trâu” của thời hiện đại. Tôi mới chỉ gặp một cái “rỗng trâu” ở xã Thanh Ðiền, là lối trâu đi trũng xuống thành mương nghe nói có từ thuở dân ta đi mở đất trên dưới hai trăm năm trước. Ai ngờ đâu tận năm 2018, miền đất này vẫn còn một “rỗng trâu”.

Thảo nào, lúc vừa đi qua trên bờ kênh Ðìa Xù, vừa đi vừa tìm dấu vết khu tái định cư, mà lại gặp nhiều những chuồng trâu. Nghe nói lúc ban đầu sẽ như một khu phố dọc bờ kênh, vừa có sinh thái cảnh quan vừa hiện đại. Thưa, nhà ở cũng đã có nhưng “lác đác”. Nhiều hơn là những dãy lán dài. Chắc là chuồng trại tạm cho những đàn trâu chăn thả, nên chỉ có cột kèo sơ sài, lợp lên vài tấm lưới thấp tè. Anh bạn quen bảo: vùng này trâu có cả ngàn con.

Hoá ra là kênh Ðìa Xù giờ đã chẳng còn gì ứng với cái tên gai góc, lạ lùng ấy cả. Một dòng kênh lớn rộng ba, bốn chục mét, lại vươn dài dọc miền đất biên thuỳ. Phía dưới, kênh cắt ngang lộ 786 rồi đổ vào rạch Ba Dít trên đất An Thạnh gần đường Xuyên Á ra sông Vàm Cỏ.

Phía trên, kênh còn chảy miên man qua những đất Long Phi, Long Hoà rồi về rạch Bảo, Chợ Cầu trước khi lại trở về sông mẹ. Còn ở đây, trên đất Tiên Thuận thì rõ là một dòng kênh đẹp như mơ, lững thững vịt bơi trên bóng nước mây trôi.

Ðôi bờ kênh cao vồng lên và óng ả xanh những rặng tràm và keo tai tượng. Ði dọc bờ kênh, thỉnh thoảng lại gặp những người chăn vịt chạy đồng lùa vịt từ các thôn ấp bên trong ra chăn thả dưới dòng kênh. Toàn một loại vịt cỏ nhởn nhơ có màu lông trắng xám. Nước kênh trong veo, loáng thoáng nổi trôi những cụm lục bình.

Có lúc dòng kênh lại xuyên ngang đồng lúa mênh mông đang rộ vàng hoặc đang thì con gái mởn xanh. Chỉ tiếc trên chặng đường cả chục cây số bờ kênh lại không gặp một thuyền, ghe nào xuôi ngược. Trong khi đó, rõ ràng đôi bờ kênh ngập tràn các loại cây nông sản.

Nào lúa, nào bắp lai, thuốc lá vàng, cao su và các loại rau màu. Rõ ràng còn đấy những tiềm năng của dòng kênh chưa được khai thác. Vận chuyển đường sông! Hay là du lịch một miền sông, rạch, đồng bưng?

Bươn bả mãi, rồi cũng tới được cầu Long Hưng, sau khi đã bỏ qua đến ba, bốn cây cầu bắc qua kênh. Qua cầu là đường đá nhựa vắng người, nên lại chạy xe phăm phăm tới tận chốt biên phòng. Các chiến sĩ lại phải chỉ ngược lại, tới cây xăng thì mới gặp con đường tạm gọi là vành đai biên giới.

Ðường bạn tôi khoe đây, sẽ chạy xuyên qua những Long Thuận, Long Khánh về Long Phước. Thì cũng chỉ là đường đá nhựa thấm nhập thôi, nhưng phẳng phiu thông thoáng, dễ đi. Dọc đường xóm ấp, cửa nhà, vườn cây rải rác. Người Bến Cầu vẫn giữ cho mình một lối sống riêng! Ở đâu cũng được, miễn là cần cù chịu khó làm ăn.

Không nhất thiết phải đổ ra phía mặt đường tính chuyện kinh doanh buôn bán. Tìm nhà hỏi thăm đường, chưa chắc đã có ai ở nhà giữa lúc đang bộn bề thu hoạch. Mà sao ở Bến Cầu lại có nhiều cây trồng phải thu hái giữa tháng ba- tháng nóng nhất trong năm? Vậy nên có cả những ruộng bắp lai, thân lá đã khô cong mà vẫn còn nguyên những trái bắp khô vàng chưa hái.

Chợt nhớ tháng ba còn là tháng kỷ niệm của huyện Bến Cầu. Bởi ngày 15.3.1975, toàn huyện đã hoàn toàn được giải phóng. Lịch sử huyện còn ghi, những ngày vào Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4.1975; chị Năm Mai- Huyện đội trưởng Bến Cầu còn chỉ huy hàng ngàn dân công đắp đường cho đại quân tiến xuống Sài Gòn. Con đường ấy xuất phát từ Bàu Năng, Long Phước. Nay nó ở đâu, giữa những tuyến đường đá, nhựa dọc ngang khắp miền biên giới Bến Cầu?

Con đường vành đai mà tôi đang đi đây còn chưa có tên gọi. Vậy xin được gọi tạm là con đường nông sản. Vì hai bên nối tiếp những xanh um ruộng thuốc lá vàng, ruộng bắp lai, ruộng ớt, rẫy mía hoặc những vườn cao su thăm thẳm chiều sâu xa hút.

Lúc còn ở bên Tiên Thuận, tôi sà xuống một lều lán bà con đang thu hái thuốc lá vàng. Ruộng thuốc lá mỡ màng xanh cao ngang ngực. Mấy cậu trai vác phăm phăm từng bó lá to về lán. Các bà, các chị đang ngồi xúm quanh một đống lá to, lựa ghim thành chuỗi, thành xâu.

Mỗi lá thuốc to như tàu lá chuối non, những người phụ nữ tay cầm mũi ghim đan cài thoăn thoắt. Xin chụp ảnh thì các chị cười đùa ríu rít chỉ cho một cô “người mẫu”. Ai hay, “người mẫu” ấy là một bà cao tuổi nhưng gương mặt chưa chịu già, vẫn sáng đẹp lạ thường.

Qua cầu Long Hưng, tìm được con đường lại hối hả chạy sang Long Thuận. Bên này còn gặp cảnh sắc vui hơn là những cánh đồng ớt đang rộ chín. Ôi chà, trên tấm thảm xanh mênh mông màu lá ớt ấy là vô vàn ngọn nến đỏ tươi như đang thắp lửa dưới trời xanh.

Xa xa, là từng tốp vài chục người đang cắm cúi trên đồng hái ớt. Mà lạ chưa, tốp nào cũng có một vài tấm áo đỏ rực rỡ còn hơn cả ớt. Trên cái nền đỏ xanh bất tận ấy nổi bật lên những hàng đường dây điện cao lênh khênh. Toàn sào nứa gác vào nhau, mà truyền điện năng ra chạy những máy phun, máy tưới.

Khi về đến Long Phước còn gặp những trụ tự xoay phun nước tưới, giăng những làn mưa long lanh trong suốt giữa đồng. Thế mới biết bà con Bến Cầu đã tiếp cận được với công nghệ cao và hiện đại.

Giữa đường, gặp một công trường đang thi công với chiếc trụ búa máy cao đen, gân guốc. Mới hay đấy là cầu có tên Thúc Múc, bắc qua đoạn đầu nguồn rạch Bảo. Con rạch làm nên danh vùng đất Bến Cầu này, đến đây như còn chùng chình lưu luyến miền ngũ long nên còn uốn lượn đến mấy vòng quanh, rồi mới chịu ngược dòng sang bên kia biên giới. Một cột mốc biên cương trắng xám phía đằng xa.

Qua Long Khánh rồi đây! Lại ớt. Tôi ghé một ngôi nhà làm chỗ người hái ớt để xe, thì thấy các anh đang kể, giá ớt hôm nay (16.3) được ba mươi tư ngàn một ký. Vậy là “thắng” rồi vì độ này năm trước giá chỉ có mười một ngàn, bà con “thua đậm”.

Thế là vui. Chạy đến Long Phước lại gặp xe tải và hơn chục người đang chặt mía. Báo cáo của Ðảng uỷ xã Long Phước cho biết mía mùa này đạt 60 tấn/ha. Bên phía Nam của con đường đã nổi bật hoà sắc trắng và xanh dương của một nhà máy mới.

Hơn 10 ngôi nhà tường trắng, mái xanh nằm thanh thản giữa màu xanh lá tươi non trên đồng đất bao quanh. Ðấy là khu trại mới xây của Công ty Bảo Phúc. Bạn tôi kể đấy là trại nuôi heo cực kỳ hiện đại. Dòm qua cổng không thấy mấy người đi lại mà heo nuôi đã tới mấy nghìn con.

Về TP. Tây Ninh vẫn còn đem theo ấn tượng những niềm vui cùng các sắc màu tươi sáng ấy. Vậy mà ngày 18.3 có một cuộc điện thoại. Từ Long Khánh. Tin buồn- giá ớt lại rớt thê thảm rồi, còn có mười mấy ngàn đồng.

Người “lão nông tri điền” thêm một câu bình luận: đời nông dân Bến Cầu coi vậy vẫn còn lênh đênh lắm! Xã hội đã ở mức bốn hay năm chấm gì đó nhưng điệp khúc “được mùa thất giá, được giá thất mùa” vẫn còn là bài ca chưa cũ bao giờ.

N.Q.V

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục