BAOTAYNINH.VN trên Google News

Qua "mùng"

Cập nhật ngày: 01/03/2021 - 12:16

BTN - Ngày 11 tháng Giêng. Vậy là đã hết cái tuần được gọi là mùng. Như ca dao từng viết về tuần trăng: “Mùng một lưỡi trai/mùng hai lá lúa/mùng ba câu liêm…”. Tôi chợt nhớ đêm qua, trước khi tắt tivi đi ngủ, đã thấy vầng trăng “một nửa” chơ vơ ở giữa nền bàng bạc trời trong. Cán bộ công chức cũng đã đi làm từ thứ tư tuần trước. Báo Tây Ninh cũng đã ra được 3 số. Số thứ bảy, độc giả được ngắm nhiều ảnh đẹp từ các món chay Tây Ninh trong bài của thạc sĩ Ngọc Hoà; sáng nay lại được biết thêm về “một kỳ tích trên núi Bà Đen” của bác Bàn Dân.

Thế là đã qua “mùng”. Mọi sự đã trở lại bình thường như trước kỳ nghỉ tết. Chính xác phải gọi là "bình thường mới". Bởi ai ai cũng tuân thủ nghiêm lệnh phòng, chống dịch bệnh Covid- 19. Đi đường ai nấy khẩu trang kín mít. Vào ra các nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng đều có chai nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, giữ khoảng cách theo khuyến cáo của ngành Y tế…

Thôi thì cứ nhớ gọn lại là chấp hành đủ 5K. Vậy ai uống cà phê cũng tìm nơi rộng rãi, tận dụng các khoảng không trống trải. Như một quán trên đường Nguyễn Chí Thanh, bàn ghế kê dọc vỉa hè. Đằng sau là cao su mùa thay lá. Trước mặt là bằng lăng tươi non vừa chớm nở. Ta có thể ngồi một mình một bàn, ngắm những chiếc lá vàng rơi cuối cùng của mùa. Biết chắc là tết đã đi qua.

Qua mùng! Nhưng vẫn còn một tiếng gọi sâu xa trong tiềm thức, là tháng Giêng, vẫn phơi phới trải màu xanh non khắp đất. Và lơ lửng trên đầu là những trái xoài xanh. Năm nay xoài xuân tiếp tục được mùa là cái chắc. Bởi cây xoài, vườn xoài nào cũng sum suê một tàn cây chi chít bông vàng.

Tháng Giêng vẫn còn trong lòng người tín ngưỡng các lễ hội đình miếu dân gian. Sớm nhất thì đã qua (mùng 7 tết), nhưng còn đợt sau với mở đầu là lễ hội Kỳ yên đình Trường Đông 16 tháng Giêng. Năm nay cũng phải “bình thường mới” như năm trước, nghĩa là chỉ cúng kiếng nội bộ, không mời khách.

Cùng ngày còn có Lễ kỳ yên đình Tiên Thuận, dinh quan lớn Vàm Bảo ở Long Chữ… và ở dọc miền sông nước Vàm Cỏ Đông. Ai mà không quên được, khi đến cũng phải chấp hành 5K theo khuyến cao của Bộ Y tế. Bảo vệ ta là bảo vệ cộng đồng.

Tôi chợt nhớ một bài trên Báo Nghệ An (6.12.2020) của tác giả Đăng Tiêu. Ông kể, trong thời gian công tác ở Nhật Bản đã “ngộ ra” một điều. Rằng tín ngưỡng cũng rất sâu đậm ở Nhật, một đất nước có tới “8 triệu vị thần”.

Ở đấy, thần cũng là thiên nhiên: “Thần ở khắp mọi nơi, trong nụ hoa vừa nở, nơi con nhện giăng tơ, những buổi sáng sương mờ hay bông tuyết đầu mùa. Thần ngự trên chiếc lá đang rơi, thần cưỡi sóng tràn vào bờ và hoá thành một con nghêu nhỏ, chui vào lòng đất, thấm vào mạch nước ngầm, và nước bốc hơi lại hoá thành mây…”.

Với quan niệm tín ngưỡng như thế, thì người Nhật đã xây dựng đất nước mình thành một nước phát triển là điều không lạ. Cho dù đất nước ấy cũng có không ít thiên tai như động đất, sóng thần. Và tôi nhớ lại những lần có mặt trong các lễ hội đình miếu ở quê ta trong mỗi mùa xuân trước.

Đấy là hình ảnh: “cây đa bến nước sân đình” ở Trường Tây hay đình Long Thành ở Bến Kéo xôn xao trên bến dưới thuyền. Đấy là hình ảnh những con thuyền tống ôn được các nghệ nhân chế tác, trang trí thật đẹp, đèn nến lung linh đủ màu sắc.

Trên thuyền có đặt để chút gạo, muối làm lương ăn, tống tiễn các quan ôn dịch bệnh. Để cho năm mới được mưa thuận gió hoà, mọi sự làm ăn phát triển, hanh thông. Qua đấy mà hun đúc tình yêu đất đai và dòng sông, kể cả từng ngọn hoa lục bình rung rinh tím biếc. Yêu quê hương cũng là yêu thiên nhiên đang nẩy nở cùng cuộc sống con người. Và chính nhờ tình yêu ấy mà thiên nhiên luôn bền vững, đồng hành với người đi tới ngày mai tươi sáng vững bền.

NGUYỄN