BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quá táo tợn và lộng hành

Cập nhật ngày: 18/03/2017 - 09:00

Có ai bảo kê, chống lưng để “cát tặc” xem thường pháp luật, bất chấp dư luận? Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi có nên cho phép nạo vét sông rạch để tận thu khoáng sản, cát như hiện nay.

Chỉ vì kiên quyết kiến nghị dừng dự án nạo vét, khai thác cát trên sông Cầu mà chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các sở ngành đã bị đe dọa. Và lo lắng từ mối đe dọa ấy, nên tỉnh Bắc Ninh đã phải gửi công văn “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ.

Ai đã táo tợn dám đe dọa cả hệ thống chính quyền tỉnh Bắc Ninh? Kẻ nào mà quyền lực khủng khiếp, lộng hành đến thế? Điều đó sẽ được công an điều tra theo yêu cầu của Thủ tướng. Thế nhưng qua những gì tỉnh Bắc Ninh diễn đạt, có thể thấy dáng dấp của cả một “tập đoàn” lợi ích nhóm trong việc khai thác cát để trục lợi.

Báo chí, người dân, chính quyền... đã không ít lần lên tiếng phản đối nạn khai thác cát tràn lan, nhưng tại sao nó vẫn tồn tại, sống khỏe, thậm chí quá lộng hành như hiện nay? Có ai bảo kê, chống lưng để “cát tặc” xem thường pháp luật, bất chấp dư luận không?

Trong cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đặt vấn đề: “Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm. Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này”.

Tương tự, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cũng khẳng định có cả bóng dáng “xã hội đen” đứng đằng sau các chủ tàu khai thác cát trái phép.

Chính vì được bảo kê, chống lưng nên “cát tặc” mới thách thức dư luận, thách thức chính quyền và đến nay đã tới mức dám đe dọa đến sự an nguy của cả một chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành Bắc Ninh.

“Cát tặc” quá lộng hành như vậy thì làm sao người dân dám đứng ra đấu tranh để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước?

Thực tế đã có những người dân chỉ vì muốn bảo vệ mảnh vườn, mái nhà của mình không bị lao xuống sông mà đứng ra phản đối, tố cáo việc khai thác cát trái phép để rồi bị dọa dẫm, uy hiếp.

Chính quyền địa phương có bảo vệ được người dân tranh đấu không, khi mà đến cả chủ tịch một tỉnh còn phải kêu cứu đến Thủ tướng khi bị “cát tặc” hăm dọa?

Chúng ta đã buông lỏng, xem thường, không xử lý nghiêm, thậm chí dung dưỡng, thỏa hiệp, bảo kê cho “cát tặc” hoành hành, lộng hành suốt cả một thời gian dài. Đó chính là hệ lụy đưa đến việc “cát tặc” xem thường pháp luật, thách thức hệ thống chính trị của cả một tỉnh như hiện nay.

Để dẹp hoàn toàn nạn khai thác cát trái phép, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đã đến lúc Chính phủ phải có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Các bộ ngành liên quan cần rà soát tất cả dự án nạo vét luồng lạch tận thu cát, cũng như việc cấp phép cho các dự án khai thác cát.

Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi có nên cho phép nạo vét sông rạch để tận thu khoáng sản, cát như hiện nay?

Nếu cần thiết phải cho nạo vét sông lạch, dứt khoát phải có cơ chế kiểm soát để mọi hoạt động diễn ra đúng pháp luật và quan trọng hơn, không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.

Đồng thời các tỉnh thành cũng phải đồng loạt ra quân lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác cát, kiên quyết dẹp nạn “cát tặc” trên địa bàn. Có như thế mới đáp ứng được chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: “Không được bó tay trước cát tặc!”.

Nguồn TTO