Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quá thừa và rất thiếu
Chủ nhật: 08:47 ngày 30/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người nuôi heo đang lao đao, không có nơi tiêu thụ, giá giảm mạnh. Có người gọi đó là “khủng hoảng thừa” và chuyện thừa này từng xảy ra với nhiều sản phẩm khác.

Đó là hậu quả của quá trình “thiếu, thiếu rất nhiều”, nếu không sớm khắc phục sẽ còn phải trả giá rất đắt.

Tình trạng thừa không chỉ xảy ra với người chăn nuôi heo, mà đã thường xảy ra với người trồng lúa, hay theo thời vụ như con cá tra... Chỉ có điều tình trạng thừa heo hiện nay là trầm trọng, nếu không giải quyết sẽ tác động rất xấu đến cả ngành chăn nuôi.

Trước đó, Nhà nước cũng thường xuyên phải cứu lúa (mua tạm trữ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua...) và gần đây là những vụ phải giải cứu dưa hấu, hành, thanh long, chuối, cá tra, muối...

Dù thực hiện bằng biện pháp thị trường hay phi thị trường... nhưng các cuộc giải cứu này cũng không phải là căn cơ. Giải pháp căn cơ là phải khắc phục ngay tình trạng “thiếu, thiếu rất nhiều” trong quá trình sản xuất như thiếu quy hoạch, thiếu thông tin, đặc biệt là thiếu gắn kết, liên kết giữa các thành viên trong chuỗi sản xuất. Sự thay đổi đó phải bao gồm cả Nhà nước lẫn những tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất.

Về phía Nhà nước, đó là thiếu hẳn quy hoạch ngành sản xuất, chậm định hướng khai thác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Về phía người sản xuất, đến nay vẫn thiếu hẳn sự gắn kết, mạnh ai nấy làm, thậm chí có tâm lý tranh nhau mà làm, đạp lên nhau mà sống, chẳng ai chịu nghe ai.

Như trong ngành chăn nuôi, các nhà sản xuất và cung cấp con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi luôn gần như mạnh ai nấy kiếm lời khi bán sản phẩm cho người chăn nuôi. Kiểu làm ăn này suy cho cùng khá gần với suy nghĩ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội ngành nghề lại rất mờ nhạt, gần như không thể tham gia việc điều phối sản xuất. Nhưng muốn các hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò của mình, từng thành viên, từng doanh nghiệp phải có trách nhiệm để các hiệp hội trở thành cánh tay đắc lực cho mình trong định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ba cây không chụm lại thì chẳng bao giờ có được núi cao. Cũng cần cảnh báo rằng khi thị trường phát triển, Nhà nước không thể can thiệp quá sâu vào việc hướng dẫn người dân trồng cây nào, nuôi con gì mà tính định hướng, tổ chức sản xuất..., công việc này phải do chính các hiệp hội ngành nghề điều phối. Một khi hiệp hội không có vai trò, chẳng khác nào người sản xuất đi trong đêm mà không có đèn dẫn đường.

Đã bắt trúng bệnh, đã trả giá, nhưng không chấp nhận thay đổi, không chịu uống thuốc, tình trạng “quá thừa” và “rất thiếu” sẽ còn diễn ra và hậu quả là ta tự hại mình, không chỉ ngành chăn nuôi heo mà còn nhiều ngành sản xuất khác cũng có lúc rơi vào đình đốn, thậm chí “khủng hoảng”.

Lâm vào khó khăn, ngành chăn nuôi heo phải mất hai năm mới có thể hồi phục. Nếu ngành sản xuất nào cũng rơi vào cảnh này thì nền sản xuất trong nước cứ như người bệnh ốm dậy, khỏe đó rồi lại yếu đó.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục