BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quái kiệt kungfu Trương Văn Thuận 

Cập nhật ngày: 01/03/2024 - 09:10

BTNO - Đam mê võ thuật, Trương Văn Thuận tập luyện cho mình hơn 50 tiết mục xiếc kungfu, được nhiều người yêu thích đặt cho biệt danh "Quái kiệt kungfu".

 Thuận biểu diễn tiết mục nhét đồng xu vào mí mắt nâng vật nặng lên khỏi mặt đất.

Đam mê võ thuật

Nhiều năm nay, anh Trương Văn Thuận (sinh năm 1991, ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành) được nhiều người biết đến với nhiều tài nghệ như dạy võ Vovinam, múa lân. Đặc biệt, anh Thuận thường xuyên biểu diễn các tiết mục xiếc độc đáo, như nhét 2 đồng xu vào mí mắt nâng tạ sắt lên khỏi mặt đất, gí khoan điện vào thái dương, đâm giáo nhọn vào cổ họng, nuốt kiếm, nuốt kim, đập gạch vào đầu, nằm trên đường cho xe ô tô cán qua người…  

Thuận sinh ra trong một gia đình thuần nông, cha mẹ và các anh chị em chuyên kiếm sống bằng nghề trồng nấm rơm, không ai theo nghiệp võ hoặc nghệ thuật xiếc. Mới 9 tuổi, Thuận đã đam mê võ thuật. Những buổi tối, Thuận đến Câu lạc bộ (CLB) Võ cổ truyền ở xã Thành Long (huyện Châu Thành) để học.

Sau này, Thuận tìm đến CLB Võ cổ truyền của thầy Ba Chói ở thị trấn Châu Thành để rèn thêm tài nghệ. Năm 2007, anh chuyển sang học thêm môn võ Vovinam. Nhờ có căn bản từ võ cổ truyền nên chỉ sau một năm tập luyện môn võ mới, anh “cứng nghề” và được thầy giao nhiệm vụ làm trợ lý huấn luyện.

Thời điểm đó, ở hai huyện Tân Biên và Tân Châu chưa có ai mở lớp dạy võ Vovinam. Nhận thấy tiềm năng, Thuận liền xin thầy cho mở lớp ở hai huyện kể trên. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chỉ riêng ở huyện Tân Biên, Thuận có đến 6 CLB Vovinam, mỗi CLB có 40-50 võ sinh. Đại dịch bùng phát, các CLB này ngưng hoạt động, hiện nay chỉ còn duy trì 2 CLB ở 2 xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) và Tân Phong (huyện Tân Biên), mỗi nơi chỉ còn khoảng 20 em. 

Bên cạnh việc học võ, năm 15 tuổi, Thuận còn là thành viên của đội lân huyện Châu thành. Năm 2009, Thuận thành lập đội lân xã Hoà Hội. Năm 2020, anh phát triển thêm 2 đội lân, lấy tên Tứ hùng Vovinam ở huyện Dương Minh Châu và Thuận Phong ở huyện Tân Châu.

 Thuận biểu diễn tiết mục khoan điện vào cổ họng.

Bén duyên nghệ thuật xiếc kungfu

Quá trình cùng anh em trong đội lân đi biểu diễn nhiều nơi, Thuận thấy các đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường, Tinh Anh Đường (ở TP. Hồ Chí Minh) có biểu diễn những tiết mục kungfu rất đẹp mắt. Trở về nhà, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu qua sách vở, băng đĩa để tập theo. Sau đó, anh đến TP. Hồ Chí Minh tìm thầy học hỏi thêm những bí quyết để tập luyện và kỹ năng biểu diễn. Sau một năm khổ luyện, anh bắt đầu biết vận công và biểu diễn một số tiết mục xiếc kungfu đơn giản.

“Lúc đó, nội công còn yếu và chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi nhiều lần bị chấn thương”- Thuận nhớ lại. Không nản chí, anh miệt mài rèn giũa thêm. Sau 5 năm khổ luyện, Thuận khắc phục được những hạn chế của bản thân và biểu diễn hơn 50 tiết mục xiếc kungfu.

“Năm 2012, tôi được anh em đội lân thị xã Hoà Thành giới thiệu đến Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn (phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) biểu diễn xiếc, với điều kiện, mỗi ngày tôi biểu diễn 7 tiết mục và suốt một tuần lễ không bị trùng lặp. Tổng cộng, tôi diễn thành công 49 tiết mục”- Thuận kể.

Nói về quá trình tập luyện và biểu diễn loại hình nghệ thuật này, anh diễn tả: “Sau vài năm tập luyện, trong cơ thể sẽ hình thành một luồng khí. Khi cần công phá vật cứng hoặc chịu sự tác động của vật thể khác vào cơ thể, mình sẽ vận công điều luồng khí này đến nơi cần thiết để kháng lực”.

Chứng minh cho lời nói, Thuận bảo tôi đưa ngón tay sờ lên thái dương trên trán của anh. Lúc anh chưa vận công, thái dương của anh mềm mại bình thường, nhưng khi vận công, điều khí lên thái dương, nơi đây trở nên cứng như sắt. Nhờ vậy, khi biểu diễn tiết mục chích mũi khoan điện vào thái dương, anh không bị chấn thương.

Thuận biểu diễn tiết mục xỏ kim qua miệng.

Tuy nhiên, không phải lần biểu diễn nào cũng suôn sẻ như vậy. Có những lúc biểu diễn 3 tháng liền, không nghỉ ngơi, khí lực bị hao tổn, anh vẫn bị chấn thương. Thuận kể, có lần anh biểu diễn tiết mục dùng tấm gạch tàu đập vào đầu, lúc trở về nhà anh bị ói mửa. Đến bệnh viện chụp X-quang, bác sĩ kết luận anh bị chấn thương vùng đầu. Sau đó anh nghỉ biểu diễn tiết mục này suốt một năm.

Một lần khác, anh nuốt thanh kiếm vào bụng cũng suýt mất mạng. Trước khi biểu diễn, anh thảy thanh kiếm lên không trung và dùng tay bắt lưỡi kiếm lại, nhưng do tay nắm thanh kiếm không đủ chặt, kiếm bị cắm xuống nền xi măng, khiến đạo cụ này bị xước mũi. Lúc nuốt thanh kiếm vào bụng, vết xước của mũi kiếm làm trầy bao tử. Về nhà, Thuận ói ra máu. Anh phải điều trị, nằm nhà dưỡng thương cả tháng mới bình phục. Sau này, anh hạn chế biểu diễn tiết mục nuốt kiếm.

Thuận còn tuyệt chiêu nuốt cây kim may tay vào miệng, sau đó dùng nội công đẩy cây kim ra giữa bụng, rồi dùng kềm kéo ra. Tuy nhiên, có lần anh cũng bị sự cố với tiết mục này. Khi kéo cây kim ra được phân nửa, phần còn lại bị gãy, nằm trong bụng. Anh phải dùng lưỡi lam rạch da bụng, lấy đoạn kim gãy ra.

Năm 2020, Liên hoan xiếc quốc tế chuẩn bị tổ chức tại Hà Nội. Anh đã đăng ký tham gia biểu diễn tiết mục nuốt cây kim may tay vào miệng và lấy kim ra ở bụng. Do bị ảnh hưởng dịch Covid- 19, Liên hoan bị tạm hoãn. “Tôi đang chờ Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức lại để đăng ký biểu diễn. Tôi tự tin sẽ đoạt huy chương vàng với tiết mục này”- Thuận nói.

Thuận được kết nạp vào Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh.

Hằng năm, Thuận còn hợp đồng với Nhà Văn hoá tỉnh, đi cùng với Đội Tuyên truyền -  Chiếu phim lưu động đi biểu diễn xiếc khắp nơi trong tỉnh, với số lượng từ 50-60 tiết mục/năm. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên lưu diễn ở các tỉnh miền Tây và một số tỉnh phía Bắc. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Cần Thơ trở thành “mối ruột”, năm nào cũng mời anh đến diễn 2-3 lần. Năm 2019, anh được mời tham gia chương trình “Người bí ẩn”, biểu diễn thành công tiết mục dùng móc sắt móc vào 2 cánh tay nâng 3 kết bia chai chứa đầy nước, nặng khoảng 45kg lên khỏi mặt đất.

Mặc dù đi diễn thường xuyên, nhưng thu nhập từ nghề này không cao, chỉ đủ trang trải cơm áo hằng ngày. “Tôi xác định, xiếc không phải là nghề để kiếm tiền mà chỉ là sở thích cá nhân. Biểu diễn trên sân khấu chỉ là cống hiến những sản phẩm của mình cho bà con xem thôi. Khi diễn có nhiều khán giả xem mình mới có động lực để phấn đấu. Khán giả không quan tâm, mình mất hứng, khó diễn được”- nghệ sĩ này trải lòng.

Thuận cho biết thêm, để trụ được với nghề xiếc kungfu này không phải dễ. Những năm trước anh có dạy cho 10 thành viên trong đội lân, mỗi người diễn 1 tiết mục, nhưng đến nay, các học trò này đều giải nghệ. Những năm gần đây, anh tiếp tục truyền nghề cho 3 võ sinh. Đến nay, chỉ có 2 “đệ tử” kiếm sống được với nghề. “Các học trò này mới học được khoảng 50% khả năng của tôi nên biểu diễn những tiết mục kungfu nhẹ, ít nguy hiểm. Hằng ngày, các em đi với đội kèn Tây ở huyện để diễn xiếc trong những đám tang. Trung bình mỗi tháng, một đứa diễn được khoảng 20 suất, thu nhập tương đương 10 triệu đồng, tạm đủ sống với nghề”- Thuận cho hay.

Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật sân khấu, năm 2020, diễn viên xiếc Trương Văn Thuận được kết nạp vào Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Thuận và học trò của mình, cùng với Đội văn nghệ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang lưu diễn ở một số đơn vị lực lượng vũ trang và xã biên giới để tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam và 35 năm ngày Biên phòng toàn dân.  

Đại Dương