Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Là người được giao trách nhiệm quản lý báo chí, tôi nhiều khi như người bơi giữa hai làn nước”, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp bộc bạch.
“Là người được giao trách nhiệm quản lý báo chí, tôi nhiều khi như người bơi giữa hai làn nước”, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp bộc bạch.
Khen ít, chê nhiều
Phát biểu trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chiều 21.2, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản vẫn luôn được coi là một nhiệm vụ khó khăn khi thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng.
“Là người được giao trách nhiệm quản lý báo chí, xuất bản, tôi nhiều khi như người bơi giữa hai làn nước, khen thì ít mà bị chê thì nhiều”, ông Hợp bộc bạch.
Bộ trưởng cũng nêu thực tế nhiều cơ quan, tổ chức cũng như doanh nghiệp vẫn rất thụ động trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
“Báo chí luôn cần thông tin, đó là lý do rất chính đáng”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Việc “né” báo chí, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, chính là lý do đã gây ra nhiều sự hiểu nhầm trong công tác quản lý báo chí.
Đồng cảm với những khó khăn vừa nêu, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lưu Vũ Hải cũng thừa nhận: “Xã hội “ảo” trên Internet hiện nay không còn biên giới, việc quản lý với những mệnh lệnh hành chính nhiều khi không mang lại hiệu quả như mong muốn”.
“Chúng ta buộc phải sẵn sàng đối mặt và chủ động hơn trong việc tạo ra nhiều thông tin hấp dẫn về những cái hay, cái đẹp để lấn át đi những tin tức tiêu cực trong xã hội”, ông Hải bày tỏ suy nghĩ.
Lắng nghe tâm tư của lãnh đạo Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với những khó khăn và trăn trở mà ngành đang phải đối mặt, đồng thời đánh giá cao những đóng góp trực tiếp, thiết thực và hiệu quả của ngành trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề nghị cho phép thành lập Tổng cục Thông tin báo chí, xuất bản trực thuộc Bộ để tập trung công tác quản lý và chỉ đạo báo chí hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Bộ cũng nên có một lộ trình để giảm dần tình trạng báo chí đưa tin sai sự thật cũng như cần phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm đưa ra được nguyên tắc và chế tài bắt buộc đối với các bộ, ngành, các doanh nghiệp trong nhiệm vụ chủ động cung cấp thông tin chính thống cho báo chí”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng đề cập đến việc quản lý và tham gia thông tin trên mạng Internet trong xã hội. Theo đó, Bộ cần chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, cung cấp và chuyển tải thông tin đến thanh niên.
Hợp nhất doanh nghiệp thành tập đoàn lớn
Trước đó, trong báo cáo kết quả công tác năm 2010, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định năm qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp thông tin - truyền thông tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển viễn thông và Internet nhanh trên thế giới, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tăng mạnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông đã được Thủ tướng phê duyệt và được Bộ xem là nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt trong 10 năm tới, nhằm thay đổi thứ hạng của Việt Nam về thông tin - truyền thông.
Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” cũng đã được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành cũng thừa nhận một số tồn tại như các doanh nghiệp viễn thông chưa có sự thống nhất và phối hợp tốt trong việc dùng chung hạ tầng, khai thác các dịch vụ. Hiện tượng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường vẫn diễn ra thiếu lành mạnh...
Bộ trưởng cũng cho biết trong năm nay, Bộ sẽ tập trung giải quyết những tồn tại, bức xúc của xã hội như quản lý trò chơi trực tuyến, truyền hình trả tiền, quản lý thuê bao di động trả trước và ngăn chặn tin nhắn rác.
Cùng với đó, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ xây dựng cơ chế đồng bộ để tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước với các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch.
Bộ cũng sẽ xây dựng một số đề án mở đường cho việc thực hiện các chiến lược lớn như đề án khuyến khích hợp tác, hợp nhất các các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin thành những tập đoàn lớn, làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế.
"Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
Việt Nam hiện có 728 cơ quan báo in với hơn 900 ấn phẩm; 67 đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương; 34 báo điện tử và tạp chí điện tử; 66 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Có 162,88 triệu thuê bao điện thoại được đăng ký, trong đó thuê bao di động chiếm 91,2%; mật độ đạt 189 máy/100 dân. Trên 26,8 triệu người sử dụng Internet. |
(Theo Vietnamnet)