BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quân dân Tây Ninh đập tan trận càn Junction City

Cập nhật ngày: 29/08/2016 - 03:14

Tượng đài Chiến thắng Junction City (thị trấn Tân Châu).

Sau thất bại của hai cuộc càn Attellboro và Cedarfall, Lầu Năm Góc như “con bạc khát nước” vẫn cay cú, tiếp tục mở cuộc hành quân Junction City đánh vào khu căn cứ Bắc Tây Ninh, được gọi là căn cứ Khu B (địch gọi là Khu C) thuộc huyện Dương Minh Châu. Diện tích toàn khu căn cứ khoảng 1.500km2. Trong những năm địch đánh phá gom dân ác liệt, dân số trong vùng căn cứ chỉ còn khoảng 800 người theo cách mạng ở rải rác dọc biên giới và sông Vàm Cỏ Đông trên khu vực xóm Giữa, Lò Gò, Tà Nốt, một ít ở Kà Tum, Sóc Mới làm ruộng sinh sống và tham gia công tác dân công vận tải tiếp tế cho bộ đội. Còn vùng trung tâm căn cứ chỉ có nhân viên, cán bộ cơ quan, nhà trường, công xưởng, bệnh viện, kho tàng của Bộ Tư lệnh miền Nam và các ngành trực thuộc Trung ương Cục.

Từ ngày 22.2.1967 đến 15.4.1967, quân Mỹ mở tiếp cuộc càn Junction City đánh vào khu căn cứ Bắc Tây Ninh. Đây là trận càn chủ yếu trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai, cũng là cuộc càn lớn nhất với nhiều tham vọng nhất của Mỹ từ khi đưa quân vào xâm lược nước ta. Mỹ tập trung 45.000 quân, 1.200 xe tăng, thiết giáp, 250 khẩu pháo, 600 máy bay chiến đấu và vận tải. Máy bay B52 ném bom huỷ diệt từng vùng rộng để phục vụ cuộc càn quét. Cuộc càn quét này do tướng ba sao Giơn-na-than Si Man, tư lệnh dã chiến 2 chỉ huy.

Chuẩn bị cho cuộc hành quân Junction City, các căn cứ Mỹ và các chốt biệt kích nguỵ từng bước hình thành thế bao vây, chia cắt căn cứ kháng chiến: căn cứ Trảng Lớn của Lữ đoàn 196 Mỹ; căn cứ Dầu Tiếng của Lữ đoàn 3 Sư đoàn Bộ binh 25 Mỹ; căn cứ Chơn Thành của Trung đoàn bộ và Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 9 Sư đoàn 5 nguỵ; yếu khu Minh Thạnh; các trại biệt kích Suối Đá, Trảng Sụp, Trại Bí, Mỏ Công; các sân bay Trảng Lớn, Quản Lợi, Minh Thạnh, Dầu Tiếng đều là những căn cứ xuất phát hành quân, tiếp tế hậu cần. Từ 25.9.1966 đến 20.2.1967, địch thực hiện trên 60 phi vụ C47 và C123 thả chất độc khai hoang trên một khu vực rộng lớn của khu căn cứ Bắc Tây Ninh.

Tiếp đó, máy bay cường kích và máy bay B52 giội bom ồ ạt xuống vùng rừng Tây Ninh. Các máy thu tiếng động được thả ở các hành lang căn cứ. Hàng loạt toán biệt kích đột nhập vào các khu vực quan trọng. Trong khi đó, một lực lượng lớn quân Mỹ và nguỵ đã sẵn sàng tư thế tiến công, hơn bảy lữ đoàn Mỹ, hai chiến đoàn nguỵ, 1.200 xe tăng, xe bọc thép, 256 khẩu pháo, 300 máy bay lên thẳng, ba phi đoàn máy bay vận tải.

Mục tiêu của cuộc hành quân Junction City: Tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, diệt Sư đoàn 9 chủ lực quân giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng, bịt biên giới, triệt phá kho tàng, dự trữ hậu cần của lực lượng cách mạng. Chia cắt, lấn chiếm khu căn cứ. Giành lấy một thắng lợi quân sự quyết định tạo ra một bước ngoặt làm chuyển biến cục diện quân sự, chính trị có lợi cho chúng.

Nắm được ý đồ của địch, Trung ương Cục và Bộ CHQS Miền đã chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ bằng cách tổ chức từng khu vực cơ quan đóng thành xã, huyện. Các cơ quan quân sự Miền hình thành 7 huyện đội, 6 cụm cơ quan Dân, Chính, Đảng thành 13 khu vực phòng thủ tương đương 13 huyện trong căn cứ. Toàn bộ cán bộ nhân viên trong căn cứ trở thành lực lượng vũ trang tại chỗ đánh càn theo khu vực được giao. Riêng đối với Tây Ninh, Trung ương Cục chỉ đạo tổ chức lực lượng vành đai phía sau hình thành thế trận nhân dân khắp 3 vùng với 3 thứ quân.

Quán triệt sự chỉ đạo và phương châm tác chiến của Bộ CHQS Miền, Tỉnh uỷ Tây Ninh đề ra nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ, sẵn sàng đánh địch trên trục lộ giao thông và cắt đứt giao thông, đánh địch ở các cứ điểm, phá kho tàng, đánh phá mạnh ấp chiến lược để góp phần bẻ gãy cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của địch. 

Cuộc hành quân Junction City diễn ra từ ngày 22.2 đến 15.4.1967, qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (22.2 đến 17.3.1967) địch tiến công khu vực tỉnh lộ 4 đến quốc lộ 22. Giai đoạn II (từ 18.3 đến 15.4) lật cánh sang phía Đông tỉnh lộ 4. Thủ đoạn của địch là bao vây kết hợp dùng lực lượng đột kích mạnh, xe tăng, biệt kích thọc sâu chia cắt, gọi là “bủa lưới phóng lao”.

Từ giai đoạn đầu, các lực lượng tại chỗ tỏ rõ khả năng bảo vệ căn cứ, thực hiện tốt các mũi bung ra, tổ chức các đội săn cơ giới, tiêu hao được địch.

Sau 4 ngày hành quân, hãng thông tấn AFP của Pháp đưa tin: “Cuộc hành quân Junction City được coi là một trong những hy vọng của Mỹ trong giai đoạn trước mắt, cuộc hành quân có nhiều tham vọng nhất trong cuộc chiến tranh, nhưng kết quả thật đáng buồn, trong 4 ngày qua không thấy dấu vết nhà lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng đâu cả... Đài Phát thanh Mặt trận Dân tộc giải phóng vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù một trong những mục tiêu của cuộc hành quân này là làm cho nó câm đi… Bộ chỉ huy Mỹ đang chuẩn bị thú nhận cuộc mạo hiểm lớn này là thất bại!”. Tướng Westmoreland, tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh ở miền Nam Việt Nam cũng phải than thở: Chẳng tìm thấy bóng một tên du kích Việt cộng đâu cả, nhưng bất cứ ở đâu quân Mỹ cũng đều bị chặn đánh.

Tiếp những ngày sau, các mũi tiến công của địch vào trung tâm căn cứ đều bị bẻ gãy, tinh thần của địch giảm sút nên co cụm lại, chỉ hoạt động chung quanh các chốt đóng quân và bảo vệ vận chuyển tiếp tế.

Giai đoạn II, ta phán đoán trước địch sẽ lật cánh sang hướng Đông, nên điều động lực lượng chặn đánh. Địch bao vây khu vực căn cứ khu B, kết hợp xe tăng, bộ binh đột kích và trực thăng đổ chụp đánh sâu. Lực lượng tại chỗ tiếp tục giữ quyền chủ động phản công tiêu diệt địch, bẻ gãy nhiều mũi đột kích của chúng. Bộ đội chủ lực tập trung thực hiện được trận quyết chiến Đồng Rùm, tập kích địch ở Bàu Tư Viết, tấn công cụm quân Mỹ ở Đồng Pan, hiệu suất tiêu diệt địch cao.

Qua 53 ngày đêm, cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam đã bị quân dân vùng căn cứ và quân dân Tây Ninh bẻ gãy hoàn toàn. Lực lượng vũ trang giải phóng đã diệt gọn 2 tiểu đoàn, 11 đại đội bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, 9 chi đoàn xe thiết giáp, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên Mỹ (1/3 quân số), phá huỷ 922 xe (có 775 xe thiết giáp), 112 trong số 256 khẩu pháo, bắn rơi 160 máy bay trong đó có 114 trực thăng. Cuộc càn Junction City bị thất bại.

Với quyết tâm đánh bại cuộc hành quân Junction City, vai trò địa phương được phát huy cao độ. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân với thế trận liên hoàn giữa lực lượng du kích xã và tự vệ cơ quan, giữa các ấp, xã và cụm chiến đấu trong vùng căn cứ. Từ đó, giành thế chủ động chiến trường không cho địch phát huy sức mạnh của binh khí kỹ thuật hiện đại và thất bại hoàn toàn.

Trong thế trận chung đó, huyện Tà Đạt (được thành lập tháng 6.1966 theo phương châm tác chiến phòng thủ bảo vệ căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền) là một trong 13 huyện căn cứ của khu căn cứ Bắc Tây Ninh, nổi lên như một pháo đài kiên cố, chiến đấu rất ngoan cường, làm thất bại các mũi tiến công của 6 lữ đoàn bộ binh, nhảy dù và đổ bộ trực thăng của Mỹ, bảo vệ được căn cứ kho tàng, đồng thời còn bảo đảm được công tác chuyên môn, thông tin liên lạc phục vụ cho chiến đấu.

Tại vành đai phía sau, lực lượng 3 thứ quân của Tây Ninh đã có phần đóng góp to lớn vào chiến thắng chung. Ngoài việc tham gia diệt địch vận chuyển trên các trục lộ giao thông 19, 22, 26... lập chướng ngại vật làm chậm bước tiến quân của địch, bộ đội địa phương Toà Thánh, du kích và nhân dân xã Trường Hoà đã diệt gọn đội bình định và đánh tan Đại đội Bảo an 276 trong ấp chiến lược này. Lực lượng huyện Dương Minh Châu được trên hỗ trợ diệt gọn Đại đội Bảo an ở Chà Là. Phong trào quần chúng trong và ngoài ấp chiến lược có cả gia đình binh sĩ nguỵ tham gia, liên tục nổi dậy kết hợp với du kích diệt gọn từng tiểu đội, trung đội dân vệ và đấu tranh chống phi pháo, chống càn quét diễn ra ác liệt ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu.

Tây Ninh không chỉ là trọng điểm địch đánh phá mà còn là địa bàn chiến tranh gián điệp. Địch đã dồn lực lượng CIA, tình báo tổng nha, tình báo phủ đặc uỷ Trung ương, tình báo vùng 3 chiến thuật, tình báo tiểu khu… hòng đánh phá từ trong nội bộ ta. Quần chúng cảnh giác cao, đã vạch mặt các tên tình báo, đội tự vệ mật, đã đánh nhiều trận táo bạo vào những đối tượng đầu sỏ công an, bình định, thám báo… hỗ trợ cho phong trào chung đạt thắng lợi.

Cùng với các lực lượng thi đua diệt Mỹ-nguỵ, Quân y Tây Ninh đã chiến đấu thầm lặng trên mặt trận chống bệnh tật. Họ cũng phải trải qua những tháng năm ác liệt với các trận ném bom B52, pháo bầy, các cuộc càn quét lớn. Trong thời kỳ này, thương bệnh binh vào nằm bệnh xá ngày càng nhiều, mà khả năng tiếp nhận của bệnh xá cao nhất là 70 giường, nhiều lúc số thương binh vào viện lên tới 250 người (kể cả thương binh chủ lực Miền). Do đó, cán bộ nhân viên bệnh xá phải đào thêm hàng trăm nhà hầm để chứa thương binh, và phải đào địa đạo để đưa thương binh đến vị trí an toàn.

Hầu hết các ca mổ tiến hành dưới hầm sâu, phía trên bom đạn vẫn nổ. Ở hầm nhưng mọi sinh hoạt của thương binh vẫn được bảo đảm bình thường. Số thương binh còn đi đứng được ở hầm có nắp hoặc hầm ếch, thương binh không đi được thì ở hầm nắp sẵn có lỗ thông hơi thoáng mát. Ngoài ra, thương binh còn được bảo vệ bằng hầm bí mật, địa đạo ngắn, hầm hố chông, hàng rào chiến đấu, gài lựu đạn phong toả bên ngoài. Địch đã nhiều lần càn quét vào căn cứ Bời Lời, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu nhưng các bệnh xá quân y Tây Ninh vẫn bảo vệ được thương bệnh binh an toàn.

Khẩu đội phòng không 12ly7 của quân Giải phóng chống càn.

Trong cuộc càn Junction City, bệnh xá quân y cũng nằm trong vùng địch càn quét đánh phá. Cho nên bệnh xá chia làm 2 bộ phận: trong đó có một bộ phận gần Sóc Lào. Cùng thời điểm này, tiểu đoàn 14 có tên ra chiêu hồi, bộ phận quân y ở Sóc Lào được lệnh di chuyển nhưng chưa kịp địch đã càn đến. Tất cả cán bộ nhân viên, thương bệnh binh phải bám lại dưới địa đạo. Trước tình hình đó, chi bộ đảng họp quyết định phải di chuyển căn cứ. Đêm đến, đại bộ phận cán bộ nhân viên bệnh xá lần lượt cõng thương binh rời khỏi vòng vây. Đến sông Sài Gòn, y tá, thương binh ngâm mình dưới nước suốt ngày, đầu đội lục bình để nguỵ trang che mắt trực thăng. Đến đêm, toàn bộ thương binh 30 người và 2 ca mới giải phẫu đưa về nhà dân ở Lộc Hưng, An Tịnh. Sau đó thương binh được chuyển qua quốc lộ 1 vượt sông Vàm Cỏ Đông đến Bến Cầu.

Số nhân viên và thương binh sơ tán không kịp có 7 người do chị Nguyễn Thị Đó (Tư Đó) phụ trách. Lương thực dự trữ có 3 ngày, địch càn lâu, lương thực hết, ban đêm nhân viên phải tự tìm lương thực về cho thương binh, ban ngày lại xuống địa đạo trú ẩn. Dù có khó khăn, cán bộ nhân viên bệnh xá đã thể hiện nhiều gương tốt trong công tác phục vụ thương binh như chị Nguyễn Thị Hạnh hiến máu cho thương binh đến ngất xỉu. Chị Trần Thị Lệ suốt những năm tháng làm nhiệm vụ giặt quần áo, băng gạc đầy máu mủ trong điều kiện nước khan hiếm, nhưng lúc nào chị cũng dịu dàng, niềm nở, sẵn sàng giúp đỡ thương bệnh binh. Y tá Trần Thị Hương dũng cảm cõng thương binh từ trong vùng bom đạn B52, khi bom nổ gần chị lấy thân mình che chở thương binh an toàn, bản thân chị phải hy sinh. Đồng chí Lê Đình Kiệt, trong lúc địch càn chịu nhịn đói, khát nhiều ngày dưới hầm địa đạo, nhưng khi có thương binh vào anh sẵn sàng giải phẫu cấp cứu.

Đánh giá thắng lợi cuộc chống trận càn Junction City, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Miền nhận xét: “Cuộc hành quân Junction City là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”.

Đ.H.T

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh)