Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong phát triển kinh tế
Chủ nhật: 09:01 ngày 10/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Quốc hội thảo luận về một số vấn đề liên quan chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là dự thảo về “Ðặc khu kinh tế” (thực ra là Khu kinh tế đặc biệt). Dù không có bất cứ từ nào trong dự thảo nhắc tới Trung Quốc, nhưng các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng, xuyên tạc bằng thông tin “Chính phủ bán đất cho Trung Quốc 99 năm” nhằm âm mưu gây rối an ninh trật tự, kích động nhân dân biểu tình, bạo loạn.

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài viết, ý kiến với những nhận định khác nhau về thời hạn cho thuê đất trong dự thảo về “Ðặc khu kinh tế”. Việc tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần xây dựng để góp phần phát triển, bảo vệ đất nước là điều vô cùng đáng quý, thể hiện tinh thần “mọi công dân đều phải có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước” và Ðảng, Quốc hội, Chính phủ luôn nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến mang vỏ bọc “góp ý”, “tâm huyết” nhưng bộc lộ rõ ý đồ chống phá, kích động biểu tình, lật đổ chế độ.

Mỗi người cần phải hiểu rõ, quản lý và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề đặc biệt quan trọng. Trong quá trình hội nhập, bên cạnh những thuận lợi chắc chắn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có tác động nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, biển, đảo ngày càng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có biển cũng như các nước không có biển. Ðặc biệt, trong tình hình nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, tạo ra những “cơn khát” về nguyên, nhiên liệu; đất đai canh tác ngày càng thu hẹp do dân số và tốc độ đô thị hoá tăng nhanh; sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cho phép loài người vươn ra để làm chủ biển cả, khai thác các nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, biển, đảo trở thành nguồn lực kinh tế to lớn, sống còn và “không gian sinh tồn mới”. Ðây là vấn đề dẫn đến nhiều quốc gia cùng hướng mạnh ra biển và cùng tuyên bố chủ quyền dẫn đến nảy sinh nhiều thách thức, mâu thuẫn về chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Ðông; bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam trên 3.260km, qua địa phận của 28 tỉnh, thành phố.

Với chiều dài và diện tích rộng lớn, biển, đảo nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; là phên giậu, chiến luỹ hình thành tuyến phòng thủ quan trọng, đồng thời là không gian sinh tồn mới có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu, để bảo vệ sườn phía Ðông của Tổ quốc.

Nhận định về biển, đảo của nước ta, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) trình Ðại hội XII của Ðảng chỉ rõ: vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Ðông. Biển Ðông trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới.

Quan điểm của Ðảng là phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, hải đảo. Ngay từ Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng cũng đã xác định: “Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”; Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam xác định: “Chiến lược biển phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.

Mạnh về biển: tức là phải mạnh về kinh tế, quân sự, quốc phòng - an ninh trên biển, đảo. Nhưng muốn biển mạnh, trước hết bờ phải vững, bờ vững chính là cơ sở, nền tảng để xây dựng biển mạnh.

Giàu lên từ biển: biển nước ta có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng với trữ lượng lớn, đặc biệt là thuỷ sản và dầu khí. Nhưng chúng ta chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh của Biển, đến nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển mới chiếm 48% GDP. Ðể làm giàu lên từ biển, phấn đấu đến năm 2020 các ngành kinh tế biển chiếm tỷ trọng 53 - 55% GDP của cả nước.

 Ðến Nghị quyết Ðại hội XII, Ðảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn- nhất là địa bàn chiến lược. Trong quy hoạch xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, các phương án bảo vệ cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo không để ảnh hưởng đến thế bố trí quân sự, thế trận quốc phòng, an ninh. Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo hiện nay, nước ta đang chuẩn bị tích cực xây dựng 3 đặc khu kinh tế gồm Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Trước ý kiến lo ngại về dự thảo “Ðặc khu kinh tế”, đặc biệt là thời hạn cho các nhà đầu tư thuê đất dự án, trả lời cơ quan báo chí tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng khẳng định: “… Ðây là đất thuê, và việc thuê đó theo quy trình nào thì hằng năm uỷ ban nhân dân trình hội đồng nhân dân giá thuê đất chứ không phải là giao vĩnh viễn như là nhượng tô, nhượng địa như Hongkong trước đây, hoàn toàn khác nhau về bản chất. Rất tiếc, nhiều người đã hiểu lầm vấn đề này, rất tiếc là như thế!”, “An ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu lâu dài để mọi người không phải lo rằng một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Quá trình thực hiện sẽ có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết”; và việc đón các nhà đầu tư từ các quốc gia sẽ có cơ cấu phù hợp, có tỷ lệ cần thiết chứ không phải chỉ một nước.

Chúng ta luôn xác định Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời theo tinh thần 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: Ðồng chí tốt - đối tác tốt - bạn bè tốt - láng giềng tốt.

Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các hành động quá khích, kích động biểu tình, gây hấn. Ðồng thời đấu tranh phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về phát triển kinh tế biển, đảo của Ðảng, Nhà nước ta; kiên quyết không mắc mưu của kẻ thù; không để các thế lực thù địch, phản động tái diễn kịch bản gây khiếu kiện, biểu tình như “vụ giàn khoan Hải Dương 981”.

Xuân Thu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục