Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà chỉ được làm mỗi một việc là lắng nghe những yêu cầu của khách qua lời ông truyền lại.
Người trong xóm và khách đến ăn hủ tiếu ở quán ông già đều phàn nàn ông có phần lấn lướt, nếu không muốn nói là ăn hiếp bà Tư- vợ ông. Bà chỉ được làm mỗi một việc là lắng nghe những yêu cầu của khách qua lời ông truyền lại:
- Một hủ tiếu một vắt!
- Hai tô hủ tiếu hai vắt nha!
Một mình bà Tư xoay trở với thau bánh hủ tiếu trước mặt, nồi nước lèo và nồi xí quách bốc khói bên tay phải, tay thoăn thoắt xắt thịt để kịp bán cho khách, tuyệt đối không rời khỏi khu vực bếp. Không ai được tiếp cận khu vực này vì tất cả những việc khác đã có ông Tư đảm nhận, từ thu tiền đến hỏi khách ăn hủ tiếu thế nào.
Lỡ mà ông có việc phải vào trong nhà, khách cũng phải đợi một chút hoặc nếu khách quen thì có thể để tiền trên bàn, dằn tô lên trên. Bà không bao giờ thu tiền thay. Nếu khách có tới bà cũng nói: Đợi đưa cho ổng.
Người ta nói quán hủ tiếu ông già chỉ là một quán bình dân không tên, không bảng hiệu mà chuyên nghiệp hơn tất cả những quán có thương hiệu vì tất cả các khâu từ thu tiền đến nguyên vật liệu đều như được “lập trình” theo một trật tự nhất định. Khách gọi “quán ông già” do ông chủ người gầy nhom, thấp bé, tóc hớt cao lốm đốm bạc.
Quán bình dân nhưng đặc biệt. Đặc biệt từ nước dùng ngọt vị tôm khô và khô mực ninh với xương. Những đoạn xương được ông đến tận lò mổ chọn mua về chặt khúc ninh nhừ khách có thể vừa ăn hủ tiếu vừa nhẩn nha nhâm nhi xương mềm.
Quán để sẵn vài chồng chén nhỏ đặt trên bàn lớn, một thố to đựng ớt cắt lát đều tăm tắp, một thố hơi nhỏ hơn đựng cải xá bấu vàng ươm, hai thố nhỏ đựng tiêu, bột ngọt và mấy chai nước mắm, nước tương. Khách vào tiện tay tự pha chế lấy chén nước chấm của mình, ông già không phục vụ thay khách. Khi ăn xong khách rời bàn đi ngang qua ông già gửi tiền, chứ ông cũng không đi từng bàn thu tiền.
Những lúc khách vào đông, ông vẫn vui vẻ với khách nhưng lại gắt gỏng bà vợ. Người vợ không bao giờ cau có hay buồn phiền gì ông. Bà cứ lẳng lặng làm công việc của mình. Không rời bếp. Bà như người của một thế giới khác, mặc những ồn ào tấp nập ngoài kia, chuyên tâm vào công việc của mình một cách chính xác nhất là làm đúng từng thao tác nhỏ để có một tô hủ tiếu vừa ý.
* * *
Sáng. Ông già ngồi ở chiếc bàn dưới gốc cây mận uống trà. Hôm nay quán nghỉ. Tấm bảng nhỏ ghi dòng phấn trắng: Nghỉ tới ngày 16 âm lịch bán lại. Đó là khi bà chủ quán bệnh. Bà nghỉ thì ông cũng nghỉ. Không ai có thể làm hài lòng ông ngoài bà. Những người bưng bê trong quán cứ vài hôm là thay đổi. Không phải họ không chịu nổi sự vất vả hay ông trả tiền không tương xứng công sức họ bỏ ra.
Tính ông rất sòng phẳng, trước khi đến làm việc, ông đã thoả thuận kỹ với người phụ quán là sẽ chỉ bưng tô hủ tiếu từ quầy bếp ra bàn khi quán đông, thỉnh thoảng dọn dẹp những mẩu xương và giấy lau đũa, muỗng mà khách vô ý làm rơi vãi dưới nền đất. Tiền công ông trả mỗi ngày cũng được ấn định trước. Nhưng ông trái tính trái nết hay gắt gỏng, có cảm giác ngoài bà ra dường như ông mang ác cảm với những người phụ nữ khác.
* * *
Bà Tư luôn cười mỉm khi có ai phàn nàn tính tình kỳ quái của ông Tư. Bà không bênh vực ông, cũng không phàn nàn về ông. Nóng, lạnh trong lòng tự mình hiểu đâu cần phải phô ra. Ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, lọt thỏm xung quanh những ngôi nhà bề thế mới cất, quạnh vắng vì chỉ có hai ông bà ngày ngày bầu bạn cùng nhau.
Không bao giờ hàng xóm nghe họ to tiếng qua lại, cứ như những khi bán hủ tiếu là lúc họ cháy mình trên sân khấu cuộc đời, đem hết mảng miếng ra tung tẩy với nhau, với đời. Còn những khi quán đóng, họ thu mình vào góc riêng thầm lặng của họ, cuộc sống cứ trầm trầm như cuộn phim quay thật chậm rãi… Mà đó cũng là những suy nghĩ của người xung quanh nghĩ về họ. Còn trong lòng họ, họ nghĩ gì, sống ra sao, chỉ mình họ biết.
* * *
Bà Tư cắp rổ ra trước nhà hái mận. Gió xôn xao. Bà nâng niu bẻ từng trái. Giống cây này đem từ miệt Gò Công quê bà lên, trái sai, trắng ngần, ngọt lịm. Lời người khách hồi sáng này nói khi ăn hủ tiếu như còn vẳng đâu đây:
- Bác gái lớn tuổi mà còn đẹp quá, hồi trẻ chắc nhiều người mê.
Ông Tư bực bội:
- Đừng có khen, bả tưởng thiệt rồi quên nêm muối quá tay mặn thấy tổ à.
Bà không nhớ hồi đó mình có đẹp không. Nhà bà nghèo không có nổi chiếc kiếng để soi. Con nhà nông một nắng, hai sương. Khuya ba, bốn giờ đã lo thức dậy nấu cơm rồi tất tả ra đồng. Hết cấy cho ruộng nhà, cấy vần công, cấy mướn cho người ta.
Hết mùa cấy lại quay sang trỉa đậu, trồng khoai, ngoảnh đi ngó lại đã sang mùa gặt. Sáng ra đồng khi mặt trời chưa trở dậy, chiều về nhà vầng dương đã chìm trong giấc ngủ vùi. Không có thời gian để mà ngắm nghía đẹp xấu.
Còn nhiều người yêu thật tình bà cũng không để ý. Con gái ráng lo giữ thân. Má bà nói vậy từ hồi mới mười ba tuổi, khi lần đầu tiên thấy khác lạ trong người. Má bà còn dặn đi dặn lại mình không quý bản thân mình thì làm sao người khác trọng cho được.
* * *
Ông Tư ngồi trầm ngâm uống trà. Tự ông thấy mình không giống ai. Đàn ông ai cũng vui khi nghe người ta khen vợ mình đẹp. Vui và hãnh diện chứ ai lại khó chịu như vậy. Nhiều người còn mong có vợ đẹp để cùng đi đó, đi đây cũng nở mặt, nở mày.
- Ông uống trà đi- bà khẽ khàng châm thêm nước nóng vào bình trà.
- Bà ngồi xuống đây cho vui- giọng ông thoảng chút hờn mát mà thoáng nghe bà đã hiểu.
- Ông đừng để ý chuyện người ta nói. Xấu hay đẹp có quan trọng gì hả ông?
- Xấu hay đẹp cũng có lỗi gì. Chuyện mấy mươi năm rồi ông còn để bụng chi cho phiền.
* * *
Bà Tư mệt. Người luống tuổi sức khoẻ phập phù như thời tiết. Bà mắc chứng bệnh cao huyết áp, sức khoẻ trồi sụt theo những chỉ số đo này. Huyết áp khó ổn định vì ảnh hưởng bởi cảm xúc. Buồn hay lo lắng cũng làm huyết áp tăng, rồi chóng mặt.
Ông Tư không nói gì nhưng ông đang hối hận vì đã làm bà buồn rồi mệt. Hai người sống chung nhau năm mươi năm từ hồi ông hai mươi, bà mười tám ở dưới quê nên hiểu nhau tận chân tơ kẽ tóc. Bà hiểu ông đang ghen ngầm dù cả hai giờ đã già, hàm răng móm mém đến nỗi ăn trái mận cũng phải nhâm nhâm thật lâu.
Bà hiểu ông mang trong lòng mặc cảm của một người đến sau dù ông để ý bà từ khi ông còn thanh niên vừa biết rung động với người khác phái. Hồi đó người ta gọi ông là Ba Kiên, chứ chưa gọi theo thứ của bà nhưng bây giờ.
* * *
Bà Tư hồi trẻ có tên Tư Thời. Tư Thời có mái tóc dày óng ả. Ba Kiên yêu mái tóc dài từ bữa bà ngồi nghỉ trưa với chị em bạn cấy dưới gò cây mù u. Khi bà chải mái tóc để bới cho gọn sau giờ nghỉ trưa trước khi vào buổi cấy ban chiều. Mái tóc ấy thôi miên chàng trai Ba Kiên.
Ba Kiên mơ nhiều nhưng tự biết mình chỉ có quyền mơ bởi anh ý thức được anh với Tư Thời như đôi đũa lệch. Tư Thời dong dỏng cao, nụ cười duyên má lúm đồng tiền, siêng năng nết na, duyên dáng, nói chuyện ý tứ nhẹ nhàng. Còn Ba Kiên thấp bé, gầy gò, lại cộc cằn thẳng tính.
* * *
Những buổi chiều Ba Kiên tha thẩn ngang qua nhà Tư Thời lựa lúc Tư Thời đang làm cơm chiều khi ghé cho khúc mía, bữa cho mấy trái mận. Người nhà Tư Thời không cấm đoán hay để ý gì vì ở xóm quê này người ta đem cho nhau mớ rau, con cá khi nhà có dư chút đỉnh cũng là chuyện thường ngày. Họ chỉ bắt đầu dò xét khi Ba Kiên đem qua nhà cho cây mận trắng. Ba của Tư Thời nói thằng Ba Kiên người ta nói nó khù khờ chứ có phải vậy đâu.
Nó cho nhà này cây mận tức là nó muốn cắm rễ nhà này rồi. Cái thằng đàn ông gầy yếu vậy làm sao gánh vác nổi vợ con.
Mẹ Tư Thời lại lo lắng dặn dò con gái phải dè chừng với thằng Ba Kiên.
* * *
Tư Thời luôn giữ trong lòng những lời mẹ dặn từ năm mười ba tuổi. Mình phải giữ bản thân mình mới mong được người ta trân quý. Với Ba Kiên, cô không nghĩ gì khác dù biết người thanh niên đó quý mình. Cô luôn tự dặn bản thân chỉ gật đầu những nơi cha mẹ thuận tình. Bởi với Tư Thời, người lớn luôn già dặn kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua là biết người ta xấu tốt ra sao.
* * *
Sáng sớm, bà Tư ngồi chải mái tóc. Bà nhận thấy mình đã già cằn cỗi như mảnh đất bạc màu. Mỗi bữa chải tóc để bới lên cho gọn bà thấy lọn tóc trong tay mình ít dần, ít dần… Một vài năm trước búi tóc ban đầu to như trái cam to, giờ bé lại chỉ nhỉnh hơn củ tỏi to một chút.
Bà nhìn ra sân ông Tư đang lụm cụm tưới cây mận. Lưng ông còng xuống, dáng người ông càng thấp bé thêm. Có thể cũng như bà, ông nhận ra mình ngày càng thấp bé đi và nỗi tự ti về thể trạng làm ông bức bối. Trong ông có những cảm xúc lẫn lộn nửa ghét cay ghét đắng Mười Tốt, nửa lại ao ước có được vóc dáng vạm vỡ khoẻ mạnh lực điền như người mà ông vốn không ưa.
* * *
“Hò…ơi! Cá đối chấm nước mắm gừng. Đâu có ai níu áo mà anh lừng khừng hổng muốn đi”.
Mười Tốt hò khan vậy thôi mà chị em bạn trong nhóm cấy của Tư Thời cứ đoán già đoán non là anh chàng khéo léo dọ ý Tư Thời.
Mười Tốt lại cất giọng:
“Hò…hơ…ơ…ơ! Ngó lên trời mây trắng, mây xanh/ Ưng ai cũng vậy ưng anh cho rồi”. Nhóm bạn đẩy cho Tư Thời hò đáp:
“Hò…hơ…ơ…ơ! Chuyện vợ chồng anh khá chớ bôn chôn/ Anh thương em nên dè dặt kẻo thiên hạ đồn không hay”.
Ba Kiên cảm thấy đổ vỡ. Tự anh biết mình không thể sánh cùng Mười Tốt- anh chàng lực điền cao to vạm vỡ lại ngọt ngào.
Chiều khi về ngang qua ngõ nhà Tư Thời, Ba Kiên lấy hết can đảm ông ngân câu hò, giọng đứt quãng vì hồi hộp:
“Hò hơ…ơ..ơ! Thò tay anh bứt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”. Câu hò thô mộc vụng gãy bởi làn hơi ngắn và khàn đục. Tư Thời nghe, biết cũng để đó chứ có biết làm gì. Mọi sự đều tuỳ vào ý cha mẹ quyết.
* * *
Bà Tư trầm ngâm, bà cười cười một mình. Bà biết tính ông hay ghen. Già sắp xuống lỗ rồi mà cũng còn ghen. Ông thương bà theo kiểu của ông. Không muốn bà tiếp xúc với người đàn ông nào khác ngoài ông. Ngoài xã hội bà luôn nhường ông một bước để ông quên đi mặc cảm không xứng với bà và tận đáy lòng bà, ông là một người ơn.
Trong ông mang nỗi ấm ức khó thể nào xoá đi. Ông sẽ tức giận và khó chịu nếu ai đó là đàn ông tiếp cận bà. Ông không yên tâm nếu để bà chỉ một mình dù bà là người đoan chính. Có lần khi ngồi bên nhau uống trà ông nói như chỉ là lời bộc phát mà bà hiểu trong ông luôn đau đáu nghĩ về điều này.
- Tôi chỉ mong sau này bà chết trước để tôi được lo cho bà chu đáo. Hai vợ chồng mình không có con.
Bà cười buồn: - Thật lòng ông chưa quên chuyện cũ dù đã mấy mươi năm rồi hay sao.
* * *
Ba Kiên ngồi một mình trong căn chòi lợp rơm giữa đồng. Chiều rồi mà nắng vẫn còn chói chang. Nỗi tủi thân dâng tràn trong ông như con nước lớn. Ông thương Tư Thời bằng tấm lòng chân thật nhưng vì sao ông không thể đến với người ông thương. Xét cho cùng ông không có gì thua Mười Tốt.
Chỉ có sắc vóc có phần thua thiệt chứ Mười Tốt vác một lần hai giạ lúa ông cũng đâu có thua kém gì. Về phía Tư Thời, ông biết cô rất ngoan hiền, cô không dám dành tình cảm cho ai vì luôn nghe lời mẹ cha. Chỉ cần cha mẹ ưng thuận cô cũng không dám cãi.
Mai đám cưới Tư Thời, người trong xóm giờ đang rộn rịp chuẩn bị lễ thành hôn. Ba Kiên đã tính sau lễ cưới Tư Thời ông sẽ chèo đò đi xa lên tận miệt Tây Ninh làm mướn. Ở đâu cũng là làm mướn. Nếu ở lại ngày ngày nhìn vợ chồng Mười Tốt - Tư Thời đi đâu cũng đi chung, hay những ngày Mười Tốt đi cày, Tư Thời đem cơm ra đồng, ngồi cùng ăn chung cơm, chén cơm cá đối nướng chấm mắm gừng.
Đâu có ai níu áo mà anh lừng khừng không muốn đi. Câu hát đó chắc phải dành cho Ba Kiên, Tư Thời có hẹn hò chi mà anh không thể nào dứt khoát để ra đi. Ba Kiên tự thấy mắc cỡ: Ủa, mình với Tư Thời có gì đâu. Tư Thời rất ý tứ có hò hẹn gì đâu mà anh trách. Tư Thời dễ thương và nết na như vậy thì Mười Tốt làm sao đi cho đành dù Mười Tốt trước đó như cánh chim phiêu bạt bốn phương trời, theo con nước rong ruổi đi làm thuê, nghe đâu quê ở tận miệt thứ.
* * *
- Ông lo quá sinh bệnh! Bà Tư trách, là bà trách vậy chứ bà biết nói gì cũng không thể làm ông yên tâm.
- Tôi thấy ông thương tôi cũng mừng. Mấy chục năm sống chung mà ông còn không tin tôi sao- bà nói tiếp.
Ông im lặng.
- Lỡ mai mốt không may ông có đi trước tôi cũng biết tự lo cho mình. Còn giờ tôi già lụm cụm rồi ai mà còn để ý đâu mà ông lo.
Ông cười ngượng ngùng vì bà điểm trúng tim đen.
* * *
Tư Thời khóc như mưa, trốn rịt trong buồng. Bên ngoài như vỡ chợ. Người ta không ngờ có chuyện như vậy xảy ra. Ở làng quê yên bình này, trước nay làm gì có chuyện tày đình như chuyện vừa diễn ra tại lễ vu quy Tư Thời.
Khi hai bên sui gia đang ngồi trao miếng trầu, miếng cau, uống chung rượu lễ bàn về chuyện sau ngày cưới sẽ để Mười Tốt về ở rể, bất thình lình có một người đàn bà bồng con tới gào khóc.
Chị khẳng định chị là vợ chính thức của Mười Tốt. Mà chị không cần khẳng định người ta vẫn tin khi đứa con trai chị bồng mặt y hệt Mười Tốt. Khi đã bình tĩnh, mọi người quay vô tìm Mười Tốt cùng ba mẹ để đối chất làm rõ sự tình thì không còn Mười Tốt và ba mẹ ở đó nữa. Nếu không có gì sao anh ta phải trốn chạy. Sự thật đã phơi bày. Mười Tốt đã có vợ ở quê nhà. Cha mẹ chú rể cũng là người đóng giả. Mười Tốt đã nhờ người quen đóng thế vai.
* * *
Một tháng sau ngày cưới không thành, Tư Thời không bước ra khỏi nhà. Không ai khuyên dỗ được. Tư Thời khóc trách phận bạc. Bữa trước khi hò đối đáp cô dặn người ta chuyện vợ chồng chớ có bôn chôn mà gia đình lại vội vàng không tìm hiểu kỹ để rơi vào tình cảnh bẽ bàng.
* * *
Đêm cuối tháng, trời mưa vần vũ. Ba Kiên nằm trong căn chòi canh lúa trằn trọc không thể nào chợp mắt được. Tư Thời đáng thương quá. Ý tứ gìn giữ trước sau mà cũng không thể nào vượt qua được những toan tính của người đời. Người hiền lành nết na như vậy là để thương, để quý. Anh nghe bạn cấy nói Tư Thời buồn và mặc cảm không dám gặp ai dù một cách khách quan cô không có lỗi lầm.
Đó như một trắc trở, một vấp váp mà số phận đã run rủi áp vào cô. Ba Kiên suy nghĩ mãi tự hỏi đi hỏi lại có thật lòng yêu thương Tư Thời hay chỉ là phút giây nông nổi. Tư Thời bây giờ đã là người tình duyên dang dở, anh có chấp nhận một người như vậy về làm vợ anh rồi sau này sẽ là má các con anh.
* * *
Ba Kiên hái rổ mận mé rạch sau nhà đem qua nhà Tư Thời. Bao nhiêu ý tứ lớp lang định nói bỗng nhiên bốc hơi khi bước qua ngạch cửa. Anh nói đem qua cho Tư Thời rổ mận. Gặp bữa cơm người nhà mời nhiệt tình nên anh cũng ngồi lại cùng ăn cơm.
- Con muốn xin hai bác cho con cưới Tư Thời làm vợ. Nếu hai bác không chê con, con sẽ thưa ba má con qua thưa chuyện - giọng Ba Kiên lập dập ngắc ngứ.
Cả nhà bối rối. Người nhà nói chuyện Tư Kiên vừa nói đột ngột quá họ không biết trả lời sao. Thật lòng bác Năm- ba Tư Thời e ngại bên nhà Ba Kiên sẽ phản đối. Họ đâu dễ chấp nhận một người duyên lỡ dở vậy về làm dâu.
* * *
Ba Kiên ngồi trước sân, ông lẩm bẩm cây mận này cũng 50 năm rồi. Nó chứng kiến những thăng trầm từ ngày ông bà đến đây. Ban đầu chỉ định đi vài tháng cho Tư Thời nguôi ngoai chuyện cũ. Nhưng rồi ông thấy có lẽ ở vùng đất mới này sẽ hợp hơn. Không một ai biết về câu chuyện cũ.
Họ chỉ biết Tư Thời là vợ ông. Ông sẽ bảo vệ đến tận cùng người con gái ông thương. Ông trải đời thấy nhiều cảnh đời ngang trái. Ban đầu yêu nhau tưởng xa nhau là không thể nào sống nổi nhưng rốt lại khi không còn chung sống mọi việc vẫn bình thường.
Ông không để cho Tư Thời buồn tủi nữa. Ông biết người như ông chắc ít làm ai rung động. Ông luôn cố tình nói chuyện chỏng lỏn chanh chua với những người phụ nữ xung quanh. Ông phòng xa không để họ có chút nào đó vơ vẩn nghĩ đến ông.
Phần của ông, ông đã yên tâm.
* * *
Bà Tư đi trước như lời ông nói hôm nào. Ông Tư ngồi đó, người nhũn ra không làm nổi chuyện gì. Rồi ông tự trấn an đó chẳng phải là tâm nguyện mà có lần ông nói với bà… Lúc tẩn liệm thay cho bà bộ áo dài ông nhìn lại người phụ nữ ông yêu từ thuở thiếu thời đến khi bạc tóc.
Cầm lọn tóc chỉ còn nhỏ xíu như lọn rau hẹ ông kìm nén để đừng rơi nước mắt. Bà có đẹp hay xấu, già hay trẻ cũng không ảnh hưởng đến tình yêu ông dành cho bà. Tình yêu ấy chắt chiu, âm ỉ tháng qua ngày lại đậm đà như nước dùng ông bà nấu cho món hủ tiếu bấy lâu nay.
* * *
Quán hủ tiếu đóng cửa. Không có bảng treo có dòng phấn trắng hẹn ngày bán lại. Bà đi rồi ông cũng không bán nữa. Cây mận trước nhà hết lứa này tới lứa khác rụng bời bời. Không có bà, ông không buồn hái. Một bữa ông đi chợ mua thức ăn về cúng cơm.
Lẩn thẩn lại mua cá đối. Lúc dọn cơm lên bàn thờ bà, ông chợt nhớ từ khi về cùng nhau bà chưa bao giờ làm món ăn gì có cá đối. Có thể bà sợ ông buồn vì cá đối gợi câu hò của người xưa cũ. Không có ai ông cứ để nước mắt tự do rơi. Ông nhìn ra ngoài quán hủ tiếu đóng cửa. Mận quá thì trắng sân.
T.Q.T