Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Quan lớn “Trà Vong” hay “Trà Vông”
Thứ ba: 02:16 ngày 01/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cũng đã kiến nghị với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên thống nhất sử dụng từ TRÀ VONG và tên nhân vật lịch sử Quan lớn Trà Vong là HUỲNH CÔNG GIẢN cho đúng với các tài liệu lịch sử đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Chữ ghi trên lăng mộ là Quan lớn Trà Vông Huỳnh Công Giản.

Vừa qua, một số cử tri ở thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành đã kiến nghị đến đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các ngành chức năng làm rõ cụm từ Quan lớn Trà Vong hay Quan lớn Trà Vông. Nội dung cụ thể là: “Hiện nay, khu vực di tích lịch sử-văn hoá cấp tỉnh Quan lớn Trà Vong còn rất nhiều hiện vật, bảng hiệu có sử dụng chữ Trà Vông thay vì chữ Trà Vong, ví dụ như bằng công nhận di tích, bia mộ... Đề nghị ngành chức năng xem xét chữ nào là đúng...”.

Theo sách Địa chí Tây Ninh năm 2006 (trang 598) có ghi tóm tắt tiểu sử Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản (1722-1782) như sau: “Năm Kỷ Tỵ-1749, triều đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh; đó là Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông đã cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện cuộc Nam tiến, di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương…

Khi đến Tây Ninh ông Huỳnh Công Giản đã sắp xếp mỗi người một khu vực: Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong, Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang, Huỳnh Công Nghệ ở cánh đồng Bến Thứ… Đến Trà Vong, Ngài thành lập 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp; vừa quy dân lập ấp vừa xây thành đắp luỹ (thành Trà Vong) nhằm bảo vệ biên cương, bờ cõi. Vào mùa xuân năm 1782 ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Dần, bọn giặc từ bên kia biên giới tràn sang đánh chiếm thành Trà Vong bằng chiến thuật biển người.

Giặc bao vây 4 mặt thành. Do tương quan lực lượng không cân sức nên Ngài quyết định viện binh của Huỳnh Công Nghệ để quyết bảo vệ thành luỹ Trà Vong… Nhưng viện binh chưa  đến kịp, quân giặc ào ạt tấn công vào thành.

Biết khó chuyển biến thế trận, Ngài nhớ câu thành mất thì tướng phải mất, và quyết không đầu hàng giặc. Đến lúc sức tàn hơi kiệt, Ngài vung gươm tuẫn tiết…”. Như vậy, Trà Vong là tên một địa danh đồng thời gắn liền với công trạng của quan đại thần Huỳnh Công Giản.

Do đó để tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong việc khẩn hoang lập ấp và giữ gìn bờ cõi, biên cương của Tổ quốc, nhân dân trong vùng đã kính trọng tự lập các đền thờ, dinh miếu để tôn thờ nhang khói cho Ngài, và gọi ông là Quan lớn Trà Vong (tiếng Khmer là Tadong có nghĩa là ông lớn).

Cũng theo sách Địa chí Tây Ninh (trang 599), một tác giả ở Tây Ninh là Hàn Y Nguyễn Ngọc Diệp cảm kích danh tướng họ Huỳnh đã có một bài thơ để tán dương công đức và khí phách của Ngài. Bài thơ có câu: “Nhựt Tảo đài cao chói ánh hồng/ Trà Vong rừng lạnh vắng trăng trong/ Huỳnh Hà ngọt mát dân vừa dạ, Công Giản rau thơm nước đẹp lòng…”. Rõ ràng trong thơ của ông Diệp cũng khẳng định là Trà Vong.

Bên cạnh đó, theo quyển Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005) ở trang 30 có đoạn: “… Ngày 2.7.1866, thực dân Pháp điều quân đánh vào căn cứ của nghĩa quân. Nghĩa quân đã bám sát giặc tấn công vào lúc 12 giờ trưa hôm ấy tại một cánh rừng nhỏ ở Trà Vong. Bị tổn thất nặng nề quân Pháp hốt hoảng bỏ chạy…”.

Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo khảo sát của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tân Biên, hiện nay trên địa bàn huyện có 6 địa điểm lưu niệm Quan lớn Trà Vong đều khác nhau. Tại bia mộ được nhân dân Tây Ninh lập ngày 21.4.1882 (nhằm ngày 15.3- Đinh Sửu) ghi Lăng mộ Quan Lớn Trà Vông Huỳnh Công Giản.

Tại Quyết định số 135/QĐ-CT ngày 27.9.1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc đăng ký khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử ghi: Lăng mộ Quan lớn Trà Vông. Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2004 của UBND tỉnh cũng ghi: Lăng mộ Quan lớn Trà Vông.

Còn ở mặt trước tại di tích lịch sử đền thờ tại Ấp Dinh, xã Mỏ Công lại ghi: Đền thờ Ông lớn Trà Vong Huỳnh Công Giảng. Ngoài cổng đền thờ này có dòng chữ nổi ghi: Đền thờ Ông lớn Trà Dông. Và cuối cùng tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 22.11.2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc công nhận di tích lịch sử-văn hoá ghi: Đền thờ Ông lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Châu Thành là huyện có 3 dinh thờ Quan lớn Trà Vong tại 3 ấp: Cầy Xiêng, Tua Hai và Chòm Dừa. Tất cả đều ghi: Quan lớn Trà Vong. Tại thành phố Tây Ninh (trước đây là Thị xã) có 2 miếu thờ Quan lớn Trà Vong cũng đều ghi là Quan lớn Trà Vong, không sử dụng từ Trà Vông.

Trong khi đó, Bảo tàng tỉnh là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ xếp hạng các di tích trên lại có chỗ bất nhất. Qua nghiên cứu cả hai Lý lịch di tích lịch sử viết năm 1997 ghi Lăng mộ Quan lớn Trà Vông Huỳnh Công Giản tại ấp III, xã Trà Vông, huyện Tân Biên và lý lịch viết năm 2005 ghi Đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản tại ấp Dinh, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên đều do một tác giả viết- đó là ông Võ Minh Quang- cán bộ Bảo tàng tỉnh. Riêng di tích lịch sử Lăng mộ Quan lớn Trà Vông viết tháng 5 năm 1997 có đồng tác giả là ông Nguyễn Quốc Việt.

Ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Theo các tư liệu lịch sử chính thống như Địa chí Tây Ninh xuất bản năm 2006, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 2010, Bản đồ Hành chính tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 2006 thì đều ghi địa danh là Trà Vong chứ không phải là Trà Vông và tên Quan lớn là Huỳnh Công Giản chứ không phải Huỳnh Công Giảng.

Đồng thời qua nghiên cứu, đối chiếu các tư liệu lịch sử, Bảo tàng tỉnh nhận thấy lý lịch di tích lăng mộ và đền thờ Quan lớn Trà Vong đều do một người viết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và viết lý lịch tác giả có sự nhầm lẫn giữa hai từ Trà Vong và Trà Vông.

Đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cũng đã kiến nghị với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên thống nhất sử dụng từ TRÀ VONG và tên nhân vật lịch sử Quan lớn Trà Vong là HUỲNH CÔNG GIẢN cho đúng với các tài liệu lịch sử đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Qua những gì đã đề cập cho thấy, cơ sở để khẳng định địa danh Trà Vong hay Trà Vông và tên gọi quan lớn Huỳnh Công Giản hay Huỳnh Công Giảng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Thiết nghĩ, ngành chức năng của tỉnh cần sớm tổ chức một cuộc hội thảo tầm khu vực để tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu sử học, các chuyên gia về vùng đất Tây Ninh xưa. Trên cơ sở đó, để tham mưu cho UBND và HĐND tỉnh có câu trả lời thoả đáng cho những kiến nghị của cử tri.         

V. H. M

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục