BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý đầu tư công còn lỏng lẻo

Cập nhật ngày: 21/10/2011 - 01:36

Chiều 21.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu tập trung vào vấn đề đầu tư công, nợ công.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng: Hiện nay, lạm phát của Việt Nam đang đứng ở mức cao. Giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt khiến đời sống người dân gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản vì không có kinh phí để sản xuất hoặc sản xuất không có lãi. Điều này kéo theo hệ luỵ là doanh nghiệp sẽ mất thị phần, lao động không có việc làm…

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, chúng ta cần phải tái cấu trúc nền kinh tế, các ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp. Trong đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiếp tục sản xuất; có biện pháp tạo việc làm cho lao động.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) cho rằng: Lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở nông thôn và thu nhập thấp. Nhiều người từ nông thôn ra thành thị nhưng không tìm kiếm được việc làm vì nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp để lạm phát giảm xuống dưới 10%, giá cả các mặt hàng hạ, tạo mặt bằng lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp vay để duy trì, ổn định và phát triển sản xuất.

Cần xem xét lại những dự án đầu tư công kém hiệu quả (ảnh minh hoạ)

Mục tiêu mà Chính phủ đưa ra từ nay đến năm 2015 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh), thực hiện được mục tiêu này là khó khăn vì hiện nay, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58% GDP. Việc quản lý đầu tư công còn lỏng lẻo, nhiều dự án, công trình xây dựng dàn trải, bỏ trống hoặc hoạt động không hiệu quả.

Theo đại biểu Trần Văn Minh, tại kỳ họp này, các đại biểu cần cho ý kiến để cắt giảm đầu tư công, những dự án không có hiệu quả thì cần phải ngừng đầu tư. Ngoài ra, chúng ta cần có một chính sách chặt chẽ về quản lý đất đai vì hiện nay, nhiều nguồn vốn, kinh phí của Nhà nước có liên quan đến đất đai lại rơi vào túi những cá nhân, đơn vị trục lợi.

Đại biểu Nguyễn Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu quan điểm: “Chúng ta cần phải cấu trúc lại nền kinh tế bằng cách giảm đầu tư công, thu hút nguồn lực đầu tư khác từ trong dân, nguồn vốn nước ngoài. Để thực hiện được điều này, cần phải có một cơ chế chính sách, hành lang pháp luật thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài đóng góp kinh tế vào những công trình, dự án công”.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng: Khi tái cấu trúc nền kinh tế, chúng ta cần chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đi kèm theo đó là cần có chương trình hành động, chính sách, luật lệ cho những biện pháp đã được thực thi, ban hành.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng: Hiện nay, đầu tư công về hạ tầng cơ sở nông thôn còn dàn trải, chưa hiệu quả, manh mún. Nhà nước cần phải xem xét lại việc đầu tư vào những dự án công, đặc biệt là công trình nông thôn sao cho hiệu quả, chất lượng.

(Theo VOV)