Thảo luận chiều 26.11 về dự Luật An toàn thực phẩm (ATTP), đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu chuyện "cái đùi gà đi nửa vòng trái đất".
Thảo luận chiều 26.11 về dự Luật An toàn thực phẩm (ATTP), đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu chuyện "cái đùi gà đi nửa vòng trái đất". Ông Xuân nhận xét các quy định về quản lý thực phẩm tươi sống nhập khẩu quá dễ dãi, "dễ nhất thế giới". Dễ đến mức, ông dẫn chứng sinh động, về chuyện “cái đùi gà đi nửa vòng trái đất, về Việt Nam lưu kho cả tháng trời nhưng bỏ ra vẫn bán được, bán không được lại cất tủ lạnh, hôm sau bán tiếp”.
Trong khi thanh long, tôm... của ta xuất khẩu rất khó thì gà, nội tạng động vật... vào Việt Nam quá dễ, khiến sản phẩm đến tay người dùng không những không đảm bảo vệ sinh mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất trong nước.
Do vậy, ĐB Nguyễn Đình Xuân kiến nghị cấm nhập các sản phẩm tươi sống mà nước ngoài không dùng được. Đồng thời, xây dựng ngay hàng rào kỹ thuật, nâng thuế lên thật cao để các nhà nhập khẩu nản lòng.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Quy định về nhập khẩu thực phẩm của ta dễ nhất thế giới. |
Dự thảo Luật An toàn thực phẩm được các đại biểu cho là chưa quy rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nhận xét: "Nếu không có quy định rõ ràng thì luật vẫn chỉ là luật khung, khó có hiệu quả trong cuộc sống”.
Theo ông Hùng, cần dựa vào quy trình sản xuất, lưu thông của hàng hoá thực phẩm để nghiên cứu ban hành các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, vai trò của các hội, hiệp hội cũng rất quan trọng mà dự thảo Luật chưa đề cập đến.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhận xét, việc quy định trách nhiệm từng bộ, ngành trong dự thảo Luật không chi tiết, không gắn với công việc của từng cơ quan cũng như địa phương.
Trong khi đó, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP và chịu trách nhiệm về tính an toàn của thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân. Ông Thuyết cho rằng Bộ trưởng đang phải gánh quá nhiều việc, quá bận nên không có điều kiện chăm lo công việc này.
Còn tại địa phương, các tỉnh cũng giao cho Sở Y tế nên không đủ sức mạnh để làm.
Hơn nữa, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) dẫn chứng chính Bộ trưởng Y tế khi trả lời chất vấn đã thừa nhận là có khó khăn trong việc phối hợp giữa các bộ. Do vậy, nếu quy định như dự Luật, sẽ không khắc phục được những bất cập hiện nay trong quản lý VSATTP.
Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân, để đảm bảo người dân có bữa ăn an toàn, cần có sự tham gia của 3 đối tượng: Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông cho rằng, người tiêu dùng dù thông thái tới đâu cũng không phát hiện hết được thực phẩm "bẩn". Còn người sản xuất, ngoài phạt nặng, cấm hoạt động, phải bồi thường các chi phí khác như khám chữa bệnh, điều trị cho người bị hại, kể cả phí thuê luật sư trong trường hợp có kiện tụng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần xác định rõ trách nhiệm đảo bảo an toàn sức khoẻ cho người dân nhưng không gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. "Dự thảo Luật về cơ bản giống với Pháp lệnh VSATTP hiện hành thì hiệu quả cũng như hiện hành", ông Xuân nói.
Ông Nguyễn Minh Thuyết góp ý, nên giao việc này cho Bộ KH-CN vì Bộ này có Tổng cục Đo lường chất lượng hàng hoá - cơ quan đang nắm toàn bộ các tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, có thể thành lập Uỷ ban quốc gia về thực phẩm và thuốc, hàng tháng công khai báo cáo giám sát chất lượng thực phẩm đến người tiêu dùng.
ĐB Kim Anh đề xuất thành lập một cơ quan trực thuộc Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. ĐB Trần Văn Bản (Bình Định), Nguyễn Đình Xuân hưởng ứng, nên thành lập Uỷ ban An toàn thực phẩm quốc gia hoặc bổ sung thêm quyền cho Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
(Theo Vietnamnet)