Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quân sự dân chủ và những đêm trắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chủ nhật: 09:08 ngày 07/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ đã luôn nắm chắc tình thế của địch trên chiến trường cả về quân sự lẫn chính trị, để đưa ra những phương hướng, chủ trương tác chiến xuất sắc nhất, đánh bại quân địch hoàn toàn sau 56 ngày đêm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm nhân dân Mường Phăng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5-2004  Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm nhân dân Mường Phăng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5-2004 Ảnh: MINH ĐIỀN

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một kỳ tích trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và tác động mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ đã luôn nắm chắc tình thế của địch trên chiến trường cả về quân sự lẫn chính trị, để đưa ra những phương hướng, chủ trương tác chiến xuất sắc nhất, đánh bại quân địch hoàn toàn sau 56 ngày đêm. 

Tinh thần quyết chiến, ý chí sắt đá

Trước tình hình quân Pháp triển khai kế hoạch Henry Navarre, tháng 10-1953, tại Tỉn Keo (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Chính trị Trung ương Đảng tổ chức hội nghị thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi nghe báo cáo kế hoạch tác chiến do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, trong hoạt động có thể thay đổi tùy theo tình hình.

Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, trợ lý đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong gần 130 hoạt động kể từ ngày nhận lệnh lên đường tới chiến trường Điện Biên Phủ, mở chiến dịch lịch sử quyết định cho đến ngày toàn thắng (1-1-1954 đến 7-5-1954), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã biểu hiện một tinh thần quyết chiến hết sức kiên định về mục tiêu chiến lược, dù tình hình có những biến chuyển rất lớn trực tiếp chi phối đến ý định và chủ trương của ta trong giai đoạn quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Từ việc chuẩn bị và hạ quyết tâm tác chiến của chiến dịch lần đầu vào ngày 14-1-1954 với phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, thắng chắc” đã đòi hỏi công tác chuẩn bị rất mới mẻ về các mặt chiến thuật, cũng như công tác chính trị tư tưởng, công tác bảo đảm vật chất, kỹ thuật hậu cần cho một chiến dịch lâu dài và phát triển ngoài quy luật thông thường. 

“Thực tế việc thay đổi này đã thử thách lòng tin và sự quyết tâm của cán bộ chỉ huy các cấp trong chiến dịch. Nhưng tấm gương ngời sáng và những chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho chỉ huy các cấp và toàn thể chiến sĩ có một ý chí sắt đá, kiên quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch, không phụ lòng tin cậy của Trung ương Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước...” - Đại tá Nguyễn Bội Giong nêu rõ. 

Quân sự dân chủ để phát huy sáng kiến

Theo hồi ức của Đại tá Nguyễn Bội Giong, trong những ngày chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phát huy cao độ tinh thần quân sự dân chủ trong mọi công tác, nên đã bảo đảm phát huy được cao độ sáng kiến của đông đảo cán bộ chiến sĩ ở các cấp nhằm khắc phục kịp thời mọi khó khăn của chiến dịch.

Nhớ lại những ngày tháng ác liệt, gian khổ cách đây 60 năm, Đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết, hồi đó trong quá trình đào chiến hào để đánh lấn trận địa của địch, quân ta đã gặp phải sự chống trả rất quyết liệt bằng súng cối và lựu đạn của quân viễn chinh Pháp để chặn không cho quân ta siết chặt vòng vây.

Trước sự chống trả quyết liệt trên của địch, để hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ, quân ta đã có sáng kiến lấy những khúc gỗ làm con cúi quấn xung quanh rất nhiều rơm, lá cây và dây leo để đẩy lên trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa địch nhằm đánh lừa địch.

Đồng thời, mỗi chiến sĩ cũng có một cái mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng đội khi đào chiến hào vào sát địch để ngụy trang, hạn chế sự phát hiện của địch, giảm thương vong.

Còn rất nhiều những sáng tạo, sáng kiến tuyệt vời khác đã được hình thành và phát huy trong quá trình tác chiến giúp cho quân ta từng bước tước bỏ được những ưu thế sẵn có của địch, nhất là về mặt hỏa lực của không quân địch đối với bộ binh của ta.

Nói về sáng kiến này, Đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết, vào giai đoạn cuối của chiến dịch, một đại đội của Trung đoàn 36 chiến đấu ở phía Tây của Mường Thanh đã có cách đánh thần kỳ, chỉ trong đêm 23-4, bằng phương pháp vừa đánh lấn và tấn công đánh chiếm, chúng ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206 của địch ở sát sân bay Mường Thanh mà quân địch ở Mường Thanh không hề biết.

Từ đó, quân ta đã tổ chức nhanh chóng đánh chiếm nốt những điểm tựa của địch ở phía Tây và Nam sân bay Mường Thanh, chia cắt hoàn toàn sân bay, địch không thể hạ cánh để tiếp tế vận chuyển lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Sau sự kiện này, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các chiến sĩ tại chiến dịch và gọi là “cắt dạ dày” của Mường Thanh. 

Sức làm việc phi thường

Tư duy chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ giúp bộ đội ta phát huy sáng kiến mà còn khơi dậy tính năng động trong tổ chức thực hiện của các cấp, tạo nên sự thống nhất sâu sắc trong phân tích và kết luận về các tình huống tác chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyến khích mọi cán bộ, chiến sĩ đi sâu tìm hiểu những khía cạnh, vấn đề còn tiềm ẩn, chưa rõ ràng trong các tình huống đang diễn ra trên chiến trường, từ đó tạo nên sự chủ động tích cực trong hành động của các cấp do đã tin vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên dù cho tình hình có biến động khác với lúc được giao nhiệm vụ.

Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, trong chiến tranh ác liệt, đạt được mục tiêu và kết quả trên là nhờ tư duy của người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất có tầm nhìn xa và toàn diện, điều này đã làm cho cấp dưới tin tưởng khi nghe những ý kiến dặn dò và hướng dẫn trong công tác. Hơn nữa, những vấn đề mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị thường là cụ thể vào từng việc, đối với từng tình huống, từng cấp, nên giúp cho cấp dưới khi gặp khó khăn có khả năng chủ động ứng phó kịp thời, không bị rơi vào ảo tưởng, nhầm lẫn gây tổn thất cho đơn vị.

Trong những ngày ở Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một cách làm việc và nghe báo cáo rất đặc biệt. Đại tướng thường lắng nghe cấp dưới báo cáo rất nhiều và không hạn chế người báo cáo. Nhưng khi cấp dưới báo cáo xong, Đại tướng thường hỏi rất sâu về những chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Kết quả là sau khi báo cáo xong với Tổng tư lệnh thì chính bản thân người báo cáo cũng nắm được rõ ràng và sâu sắc hơn những tình huống mà mình vừa phản ánh.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm” của bộ đội Cụ Hồ trong những ngày ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là những ngày mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thể hiện một nghị lực làm việc phi thường. Liên tục nhiều đêm Đại tướng thức trắng để nắm sát tình hình tác chiến ở các đơn vị, nhất là những khó khăn, thử thách trong chiến đấu mà chiến sĩ ta đang gặp phải. Quyết định thay đổi phương châm đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, kéo pháo ra để tổ chức lại chiến dịch vào ngày 26-1; quyết định đã biểu hiện sự táo bạo, bản lĩnh, tài năng của Đại tướng để có thắng lợi vẻ vang cuối cùng, cũng là kết quả từ những đêm thức trắng…

Thế nhưng, trong bất cứ lúc nào, Đại tướng luôn tỉnh táo, không hề mệt mỏi, kể cả những lúc làm việc với các cán bộ trong bộ chỉ huy hay gặp gỡ anh em chiến sĩ cấp dưới, Đại tướng vẫn rất vui vẻ và thân ái với mọi người. Trí tuệ đặc biệt sáng suốt và tâm hồn thương yêu cấp dưới đã làm cho khoảng cách giữa người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với những cán bộ, chiến sĩ cấp dưới không còn. Điều này đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ.  

Nguồn SGGP

Tin cùng chuyên mục