Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc trong lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu được triển khai theo chính sách của Trung ương và của tỉnh đã góp phần giúp CBCCVC an tâm công tác, tạo sự ổn định về đội ngũ CBCCVC phục vụ ở lĩnh vực, ngành đặc thù.
Chính sách đặc thù phần nào giúp giáo viên công tác ở vùng biên giới yên tâm công tác (Trong ảnh: Giáo viên công tác tại các trường học trên địa bàn ấp Tân Khai- nơi xa nhất, khó khăn nhất của xã biên giới Tân Lập, Tân Biên)
Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc trong lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu được tỉnh triển khai và thực hiện kịp thời. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh giúp cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động làm việc ở lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu yên tâm công tác, gắn bó, làm việc lâu dài trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở.
Triển khai đúng, đủ, kịp thời chính sách đặc thù của Trung ương và tỉnh
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ, hiện nay, CBCCVC tỉnh được hưởng các chế độ, chính sách thống nhất theo quy định chung của Trung ương, trong đó có các chính sách đang áp dụng đối với lĩnh vực công tác có tính chất đặc thù, phức tạp, trọng yếu theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Có thể kể đến như lĩnh vực: kiểm tra đảng, thanh tra, giáo dục, cơ yếu, y tế, văn hoá, lao động - thương binh và xã hội…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động, kịp thời ban hành và thực hiện các chính sách đối với lĩnh vực công tác có tính chất đặc thù, phức tạp, trọng yếu tại địa phương. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, tỉnh có chính sách hỗ trợ, phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế được thực hiện từ năm 2008 đến nay nhằm hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên y tế một phần chi phí, động viên, khuyến khích hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những địa bàn, cơ sở y tế khó khăn tăng thêm thu nhập hằng tháng.
Đối với lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nội dung và mức chi chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ khuyến khích đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội là lĩnh vực đặc thù, phục vụ các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, người già neo đơn, đối tượng cai nghiện ma tuý, HIV/AIDS. Các đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn kinh phí tăng thu nhập nên việc động viên, giữ chân cán bộ, viên chức là rất cần thiết. Do đó, lãnh đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh quan tâm thực hiện chính sách đối với các đối tượng này. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ viên chức làm việc tại cơ sở điều trị người nghiện ma tuý tỉnh Tây Ninh.
Chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20.8.2006 của Chính phủ và các văn bản quy định liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực.
Mới đây, Quốc hội khoá XV đã quyết nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở (Trong ảnh: Nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ tại một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh)
Kiến nghị Trung ương về chính sách, phụ cấp cho CBCCVC ngành Giáo dục, Văn hoá - Thông tin
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc trong lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu được triển khai theo chính sách của Trung ương và của tỉnh đã góp phần giúp CBCCVC an tâm công tác, tạo sự ổn định về đội ngũ CBCCVC phục vụ ở lĩnh vực, ngành đặc thù.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh uỷ, chính sách và mức phụ cấp do Trung ương ban hành đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, tỉnh đang có hiện tượng “chảy máu chất xám” trong khu vực công do thu nhập của CBCCVC chưa bảo đảm cuộc sống.
Tỉnh kiến nghị Trung ương sớm xem xét, áp dụng chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương. Đối với kiến nghị này, mới đây, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV quyết nghị chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng đã chính thức quyết nghị việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và tăng lương hưu, một số trợ cấp, phụ cấp từ ngày 1.7.2023. Từ ngày 1.1.2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng đề nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh quy định đối với các phụ cấp cần tính toán đến đặc thù từng lĩnh vực, địa bàn, có sự phân hoá theo từng khu vực và mức độ phức tạp, quy mô kinh tế - xã hội (tương tự như mức lương tối thiểu vùng), không áp dụng một mức chung cho tất cả địa phương. Đồng thời, có thể xem xét, xây dựng mức phụ cấp theo vị trí việc làm.
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD&ĐT), tỉnh đề nghị Trung ương ban hành chính thức văn bản quy định về chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập do Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 8.12.2005 của Bộ GD&ĐT chỉ mang tính chất hướng dẫn tạm thời, kéo dài từ năm 2005 đến nay.
Xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 2.2.2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, vì giáo viên mầm non hạng II có hệ số thấp hơn so với các cấp học khác dù ngang bằng tiêu chuẩn, trình độ. Xem xét bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo trình độ đào tạo khi tuyển dụng đầu vào; điều chỉnh hệ số lượng bảo đảm tính công bằng, khách quan giữa các bậc học.
Đối với lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật - thể dục, thể thao, tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định về phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn, tuổi hưu của người hoạt động trong một số lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng nhọc thấp hơn quy định chung; chế độ bảo hiểm cho nghệ sĩ, diễn viên, chế độ đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật, diễn viên theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Thể chế hoá bằng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận, đi sâu vào thực tiễn đời sống, thúc đẩy văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, cống hiến trí tuệ, tài năng cho ngành văn hoá nghệ thuật. Điều chỉnh đối tượng áp dụng theo Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21.2.2006 của Bộ Văn hoá và Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, viên chức văn hoá - thông tin, áp dụng đối với viên chức hướng dẫn tham quan của tất cả bảo tàng.
Cần có quy định về chế độ đặc thù, ưu đãi đối với cán bộ thư viện làm việc ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật và ngoài giờ hành chính và cán bộ làm công tác luân chuyển đến cơ sở. Cần mở rộng đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp độc hại là những người công tác kiểm kê, xử lý tài liệu, phục vụ tại phòng đọc tự chọn, tổ chức kho và bảo quản tài liệu trong thư viện.
Tuệ Lâm