Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất
Thứ sáu: 05:31 ngày 04/10/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau chuyển đổi đất đai có tới hơn 79% các hộ gia đình gặp khó khăn với mức độ khác nhau. Trong đó, những khó khăn về việc làm, nghề nghiệp vẫn nổi cộm hơn cả.

Sau chuyển đổi đất đai có tới hơn 79% các hộ gia đình gặp khó khăn với mức độ khác nhau. Trong đó, những khó khăn về việc làm, nghề nghiệp vẫn nổi cộm hơn cả.

Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất

Trước sức ép mạnh mẽ về an ninh lương thực và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ với quyết tâm giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa trước sự “nhòm ngó” của rất nhiều các mục đích chuyển đổi đất đai. Tuy nhiên, với những lợi thế riêng có của mình, đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói riêng vẫn có sức hấp dẫn lớn với các dự án chuyển đổi đất đai.

Trung bình sẽ có 10 lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng trên mỗi ha đất nông 
nghiệp bị thu hồi. Ảnh: Thế Dương

Theo Ngân hàng thế giới, ở Việt Nam giai đoạn 2001-2005 có khoảng 400.000 ha đất được chuyển đổi, trong đó chỉ có 56.700 ha đất phi nông nghiệp được chuyển sang đất nông nghiệp trong khi ở chiều ngược lại có tới hơn 366.000 ha đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.

Một nghiên cứu khác của Ngân hàng thế giới, Đại sứ quán Thụy Điển cũng chỉ ra trong giai đoạn 2001-2010 đã có gần 1 triệu ha đất nông nghiệp (nhiều loại đất khác nhau) được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp và hơn 5 triệu ha đất bỏ hoang được chuyển đổi sang nhiều mục đích khác nhau. Các con số kể trên cho thấy tốc độ chuyển dịch đất đai ở Việt Nam giai đoạn 2001-2010 là rất lớn, điều này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng có hai mặt và ở mặt ngược lại quá trình này đã trực tiếp đe dọa tới diện tích đất lúa của Việt Nam.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2001-2005, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 70 nghìn ha đất nông nghiệp bị thu hồi, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ và hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ thu hồi đất nông nghiệp có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2006-2010 nhưng vẫn còn ở mức cao khoảng 37 nghìn ha/năm. Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trung bình sẽ có 10 lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng trên mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Như vậy, cũng có nghĩa trong vòng 10 năm qua, số lượng lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng về việc làm đã lên tới hàng triệu người.

Tiền bồi thường: Ít dành cho học nghề

Khi bị thu hồi đất, người dân có thể nhận được những mức bồi thường rất khác nhau phụ thuộc vào diện tích bị thu hồi và sự chênh lệch về giá giữa các tỉnh là rất lớn. Theo kết quả dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” vừa được Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH) công bố, trung bình số tiền các hộ gia đình nhận được vào năm 2007 tối thiểu khoảng hơn 20 triệu đồng (Đắk Lắk), tối đa khoảng hơn 200 triệu đồng (Hà Nội).

Có thể khẳng định, đối với nhiều nông hộ trong chốc lát đó là số tiền không hề nhỏ đối với họ nhưng cũng vì thế nên nhiều gia đình chưa kịp “làm quen” với số tiền đền bù thì tiền đã hết. Điều đáng nói, nếu nhìn vào cơ cấu chi tiêu, sử dụng tiền đền bù của người dân tại các địa bàn khảo sát của dự án trên thì có tới 51,4% số hộ sử dụng tiền vào xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hoặc chi tiêu sinh hoạt (33%), mua sắm tiện nghi trong gia đình (1,2%)... Chỉ có một tỷ lệ tương đối thấp người dân sau khi nhận tiền đền bù đã sử dụng tiền vào mục đích học nghề (13,1%).

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Cục Việc làm,  sau chuyển đổi đất đai có tới hơn 79% các hộ gia đình gặp khó khăn với mức độ khác nhau. Trong đó, những khó khăn về việc làm, nghề nghiệp vẫn nổi cộm hơn cả và ở thời điểm người dân nhận ra rõ nhất được những khó khăn này cũng là lúc người dân gần như đã không còn sự hỗ trợ nào trong khi tiền đền bù đất đã bị tiêu khá nhiều cho các mục đích xây dựng sửa chữa nhà cửa hay mua sắm đồ dùng, trang trải nợ nần…

Cục Việc làm đề nghị cần nghiên cứu xem xét hạn chế hình thức trả tiền học nghề trực tiếp cho người dân. Người dân sau khi thu hồi đất nếu chưa học nghề cần phát thẻ học nghề để có thể sử dụng sau khi ổn định cuộc sống và tìm hướng học nghề, chuyển nghề. Thẻ học nghề phải có giá trị trên toàn quốc để hỗ trợ người dân trong các trường hợp chuyển đi nơi khác. Thời hạn có tác dụng của thẻ học nghề cũng không nên giới hạn nhằm tạo ra sự hỗ trợ tốt nhất cho lao động bị thu hồi đất.

Theo Cục Việc làm, cũng cần xem xét quy định về độ tuổi được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm. Bởi thực tế, lao động nông nghiệp vốn có đặc trưng cao tuổi, do đó, nhiều lao động ngoài độ tuổi lao động vẫn nên được xem xét hỗ trợ học nghề.

Cục cũng đề nghị các địa phương, đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, các Trung tâm giới thiệu việc làm cần phối hợp với UBND xã, phường đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại các khu nông thôn nói chung và các khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng. Trong đó, chú trọng tới hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, giới thiệu, hỗ trợ các thông tin về việc làm cho người dân bao gồm cả nhóm lao động trẻ và lao động lớn tuổi.

Theo Báo điện tử ĐCS


 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục