Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quảng cáo gói "cúng dường online" là rất nhảm nhí
Thứ hai: 20:28 ngày 29/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần đây xuất hiện clip, một vị sư khá nổi tiếng nói về “cúng dường online”, chỉ ra những nội dung mang tính quảng cáo, theo nhà sư là nhảm nhí.

Cúng dường trực tiếp hay "cúng dường online" đều được, nhưng đừng kinh doanh. Ảnh: LDO

Theo nhà sư, app “Viếng chùa online” có nội dung rất nghiêm túc, nhưng lại xuất hiện một tờ báo viết về “cúng dường online” có nội dung ngược lại.

Đó là Phật tử bỏ tiền ra mua sự bình an: "Với mức nạp 20.000 đồng, thí chủ sẽ được phù hộ trong một ngày. Với mức nạp 50.000 đồng sẽ được bình an trong một tháng. Và mua gói càng lớn thì ưu đãi càng cao".

Đúng là nghe đoạn giới thiệu này giống như một "show" quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp. Bán lẻ, bán sỉ, bán gói, có cả khoản ưu đãi.

Trước hết, cúng dường đâu phải là bỏ tiền ra để mua sự phù hộ, mua sự bình an, mà là tấm lòng của Phật tử với nhà chùa và với cộng đồng xã hội.

Thứ hai, Phật nào đi phù hộ cho Phật tử chỉ vì người đó bỏ tiền ra cúng dường. Vậy chẳng khác gì sự phù hộ là một loại hàng hóa để bán mua.

Thứ ba, sao có thể bỏ tiền mua được sự bình an, và còn tính luôn được giá, tính luôn được giới hạn thời gian bình an. Bình an mà đo được chỉ trong một ngày, qua ngày hôm sau hết bình an, nhiều tiền thì mua được bình an cả tháng.

Những nội dung giới thiệu cúng dường online này quá xa lạ với giáo lý Phật giáo, làm cho không chỉ Phật tử, mà cộng đồng xã hội không tán thành. Như lời của vị sư nói trong clip, “rất là nhảm nhí”.

Báo Lao Động đã phân tích, cúng dường online cũng có ý nghĩa, vì Phật tử không thể đến chùa, có lòng muốn cúng dường để nhà chùa có tiền lo việc Phật sự. Nhưng đó là thành tâm, tự nguyện, không phải là mua bán một sản phẩm kinh doanh dịch vụ tín ngưỡng.

Trong thời đại số, việc số hóa các hoạt động tôn giáo cũng cần được áp dụng, như vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giới thiệu và đào tạo quản lý, vận hành phần mềm quản lý tăng ni, phật tử. Qua đó giúp đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Phật tử cũng có thêm công cụ kết nối trực tiếp với Giáo hội một cách dễ dàng, hiện đại, gần gũi hơn.

Như vậy, khai thác các công cụ khác để "cúng dường online" là bình thường. Nhưng nhà chùa không phải công ty, nên không thể bán gói cúng dường như nội dung quảng cáo đã bị vị sư vạch ra.

Vậy thì cần phải làm rõ, các app nào là của chùa chính thống, app nào của các nhóm khai thác trục lợi, thông báo công khai để Phật tử lựa chọn đúng trong không gian mạng thật giả lẫn lộn này.

Đồng thời, có biện pháp xử lý việc lợi dụng quảng cáo cúng dường để truyền bá những nội dung lệch lạc về giáo lý Phật giáo.

Nguồn LĐO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục