BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội bàn về vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Cập nhật ngày: 10/06/2009 - 05:49

Quốc hội dành cả ngày làm việc ngày 10.6 để tập trung thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề tác động trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng của mỗi người dân và đang khiến xã hội lo ngại.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về vấn đề VSATTP

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày đã cung cấp những con số phần nào làm yên lòng người tiêu dùng.

Chẳng hạn, trong 5 năm qua, chúng ta đã tiến hành hơn 1,3 triệu lần kiểm tra, thanh tra VSATTP với hơn 56.000 đoàn thành tra tại gần 480.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu tăng từ 55,7%/năm (2004-2006) lên 65,0%/năm (2007-2008). Điều này chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các cơ sở SXKD đã được nâng lên.

5 năm qua, các tòa án đã thụ lý 160 vụ vi phạm trong lĩnh vực VSATTP (chiếm 0,05% tổng số vụ án hình sự đã thụ lý), đã xét xử 152 vụ với 281 bị cáo (đạt tỷ lệ giải quyết xử 95% số vụ và 96% số bị cáo).

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, chất lượng VSATTP vẫn còn yếu kém, số lượng ca tử vong do ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng. Từ năm 2004 - 2008 số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình xảy ra tại khu công nghiệp là 7 - 32 vụ/năm với số người mắc là 905 - 3.589 người/năm (trung bình 113 người/vụ)

Năm 2008 số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát đạt 58,1%. Tỷ lệ này tuy có cao hơn trước nhưng vẫn còn thấp. Hiện nay, cả nước chỉ có 617 cơ sở giết mổ được kiểm soát, 16.512 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện VSATTP.

Bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khoẻ con người và giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không bảo đảm VSATTP. Hiện có tới 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm...

Chế tài phải đủ sức răn đe

“Biết ăn gì, uống gì để tránh ngộ độc? Đó là câu hỏi mà cử tri đặt ra với đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện chế tài thật nghiêm để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP, nhất là chế biến kinh doanh gian dối.

“Chúng ta không thể nào để những hành vi vô nhân tính tiếp tục thu lợi nhuận trên tính mạng con người mà cần phải xử lý thích đáng”, Đại biểu trình bày.

Xử lý nghiêm, thích đáng các hành vi vi phạm về VSATTP cũng là đòi hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) chỉ ra, hiện nay việc xử phạt còn nhẹ, phát hiện thì nhiều nhưng xử lý chưa được bao nhiêu, nên chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. Bài học từ việc quy định đội mũ bảo hiểm nếu chúng ta không tổ chức thực hiện chặt chẽ, quyết liệt chắc chắn chủ trương đó không có kết quả như ngày hôm nay.

Đại biểu dẫn ví dụ, kinh doanh rau không đủ vệ sinh, an toàn thực phẩm, mức phạt từ 100 - 300 nghìn đồng. Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục có khối lượng dưới 5 kg mức phạt từ 200 đến 500 nghìn đồng, khối lượng từ 5 - 20 kg mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

“Do mức phạt còn quá thấp nên các tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực này vui vẻ chấp nhận nộp phạt và sau đó lại vi phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) lưu ý.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về tăng cường kinh phí và nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm duyệt, quản lý chất lượng VSATTP tại các cửa khẩu, đảm bảo môi trường sản xuất sạch, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đạo đức người kinh doanh…

(Theo Vietnamnet)