Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội chốt đổi kỳ họp bất thường thành không thường lệ, bổ sung quy định tạm đình chỉ đại biểu
Thứ hai: 16:06 ngày 17/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua, Quốc hội đã chốt đổi tên kỳ họp bất thường thành kỳ họp không thường kỳ. Đồng thời, bổ sung quy định liên quan việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội.

Quốc hội chốt đổi kỳ họp bất thường thành không thường lệ, bổ sung quy định tạm đình chỉ đại biểu - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp chiều 17-2 - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 17-2, với 100% (461/461) đại biểu Quốc hội có mặt tán thành đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bổ sung quy định tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội

Đáng chú ý, tại luật mới được Quốc hội thông qua đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp sau đây:

- Đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can.

- Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó.

Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trước đó, theo giải trình quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trong luật là nhằm cụ thể hóa Quy định số 148 của Bộ Chính trị về căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Do việc xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu Quốc hội, nên cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thận trọng, cân nhắc kỹ, đúng quy trình, thủ tục, làm rõ căn cứ để xác định mức độ vi phạm của đại biểu Quốc hội trước khi có đề nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Thay kỳ họp bất thường thành kỳ họp không thường lệ

Bên cạnh đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay qua thảo luận một số ý kiến đại biểu đề nghị thay cụm từ "Quốc hội họp bất thường" thành "Quốc hội họp không thường lệ" hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến nêu trên để sửa đổi, bổ sung quy định Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng cụ thể hóa quy định về "Quốc hội họp bất thường" tại khoản 2 điều 83 của Hiến pháp.

Theo đó, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. 

Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục