Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội dành 2 ngày thảo luận những vấn đề nóng
Thứ bảy: 12:50 ngày 13/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm về tình hình kinh tế - xã hội và vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận 2 ngày ở hội trường.

Hôm nay (13/6), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp trong 2 ngày 13-14/6 để cử tri cả nước theo dõi.

Như thường lệ, trong các phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, và nhiều vấn đề bức thiết ở các địa phương được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường.

Xin điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội vào phiên khai mạc (hôm 20/5), người đứng đầu Chính phủ cho biết toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội vào phiên họp khai mạc ngày 20/5. Ảnh: VGP.

Song Thủ tướng nêu rõ những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Ông nhắc nhở phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu.

Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp, đối sách mạnh, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”.

So với cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công.

Đề nghị thông qua chính sách đặc thù

Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.


Các đại biểu Quốc hội sẽ có 2 ngày để thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Quân.

Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Nguồn zingnews

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục