Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong chống dịch
Thứ năm: 09:32 ngày 29/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quốc hội quyết nghị trao nhiều quyền, cơ chế đặc biệt chưa có trong luật để Chính phủ và Thủ tướng chủ động, linh hoạt trong phòng chống dịch.

Chiều 28.7, sau chín ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, rút ngắn thời gian kỳ họp tám ngày so với dự kiến.

Các đại biểu tại ngày bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.MINH

Chăm sóc, bảo vệ nhân dân là trên hết, trước hết

Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá kỳ họp này có nhiều nội dung rất quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại TP.HCM, một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng.

Trong bối cảnh đó, QH đã thống nhất cao với những đề xuất của Chính phủ trình và đưa bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.

“QH, các vị đại biểu (ĐB) QH đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

QH, các ĐBQH tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

“QH kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung thời gian, nguồn lực và công sức để kiểm soát bằng được dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của nhân dân…” - Chủ tịch QH nói.

Trân trọng sự đồng hành của nhân dân

Trong tinh thần như vậy, nghị quyết của kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch QH nói: “Trước hết, QH trân trọng sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài”.

Cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường… QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương bám sát thực tế, chủ động điều hành ngân sách linh hoạt để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

“Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19… QH tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời QH cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm nhiều biện pháp cấp bách” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói.

Chính phủ được quyết định, thực hiện các biện pháp chưa có trong luật

Tại bản nghị quyết, QH quyết nghị, giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện hàng loạt giải pháp cấp bách.

Cụ thể, giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết.

Cạnh đó là tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc cũng như các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

QH cũng giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch COVID-19 như áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Chính phủ được phép ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch COVID-19, quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, với trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian QH không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

QH cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển quỹ vaccine; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ, Thủ tướng tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch COVID-19.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.•

Ý kiến đại biểu Quốc hội

ĐB HOÀNG MINH HIẾU (Nghệ An):

Các đại biểu làm việc không nghỉ, có hôm sau 19 giờ

Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV là kỳ họp đặc biệt, tạo cảm xúc cho ĐB. Nội dung của kỳ họp cũng cô đọng, hài hòa giữa các phiên thảo luận tại đoàn và tổng thể. Điều này thể hiện quyết tâm cao của QH.

Trước đó, QH cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để chuẩn bị nội dung. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng cho cả nhiệm kỳ, công tác nhân sự cho cả một nhiệm kỳ năm năm. Vì thế, kỳ họp đã diễn ra liên tục, không nghỉ ngày nào, thậm chí có những ngày các ĐBQH còn làm việc tới sau 19 giờ.

Tại kỳ họp này, các ĐB cũng rất tích cực phát biểu. Mặc dù chỉ có 30% là nữ thôi nhưng rất tích cực tham luận, tranh luận. Đặc biệt, lần này QH đã bổ sung vào kỳ họp nội dung chống COVID-19 và ra nghị quyết chung. Báo cáo thẩm tra hoàn thành lúc nửa đêm để làm sao chống dịch và vẫn hiệu quả. Cùng với đó, kỳ họp cũng đề cập tới vấn đề tin giả. Từ đó đặt ra nhiệm vụ cần phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm được tinh thần chống dịch, không hoang mang trước các thông tin thiếu cơ sở.

ĐB NGUYỄN THANH HẢI (Thái Nguyên):

Kỳ họp đặc biệt, thể hiện trách nhiệm lớn của đại biểu

Kỳ họp này là một kỳ họp rất đặc biệt. Đầu tiên, đó là kỳ họp rút ngắn nửa thời gian. ĐBQH phải làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngoài giờ, kể cả sau 17 giờ và sau 11 giờ. Đó là những điều chưa từng có tiền lệ. Điều này thể hiện tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Đây là khóa thứ ba tôi tham gia và là ĐBQH nhưng rất hiếm khi ĐBQH làm việc cả ngày Chủ nhật. Điều này thể hiện sự quyết tâm của ĐBQH, một sự thể hiện trách nhiệm lớn lao của ĐBQH.

Nhiều cử tri gọi điện thoại, nhắn tin đánh giá cao những quyết sách thay đổi chương trình cũng như những nội dung bổ sung vào chương trình như việc bổ sung vào nghị quyết của kỳ họp về phòng chống dịch COVID-19. Trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết của các ĐBQH về các giải pháp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đã được đưa ra.

Đặc biệt QH đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch. Điều này thể hiện một tinh thần đổi mới, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục